Phạt nghiêm khắc những trường hợp khai báo y tế gian dối

Thứ Tư, 01/04/2020 08:48

|

(CATP) Cuộc chiến chống SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế tối đa số người ra đường và di chuyển.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, tiếp tục xuất hiện các trường hợp khai báo y tế gian dối sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ đã phải nêu đích danh ca bệnh 178 tại Thái Nguyên và đề nghị xử lý nghiêm.

Trước bệnh nhân 178 (Thái Nguyên), một số bệnh nhân mắc Covid-19 cũng được cơ quan chức năng xác nhận khai báo y tế không chính xác và không tuân thủ lệnh cách ly như bệnh nhân số 17, 34, 100...

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các trường hợp không khai báo y tế hoặc không chịu áp dụng các biện pháp cách ly y tế đều là hành vi ích kỷ, chỉ tính tới lợi ích của cá nhân mà không nghĩ tới sức khỏe tính mạng của cộng đồng thì cần phải lên án mạnh mẽ. Bởi các hành vi này đã vi phạm quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ông Nguyễn Huy Quang

Để ngăn chặn dịch bệnh, việc phát hiện sớm nguồn lây truyền càng nhanh càng tốt. Việc khai báo y tế trung thực, tìm các yếu tố nguy cơ để thực hiện cách ly là hết sức quan trọng. Ông Huy cũng cho biết, hiện tại Việt Nam mới chỉ xử lý với những đối tượng đưa tin, đe dọa, quấy rối, xúc phạm liên quan đến danh dự, nhân phẩm người khác,.... Tuy nhiên với hành vi liên quan đến cưỡng chế cách ly y tế và khai báo y tế chúng ta vẫn chưa xử lý trường hợp nào.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh gây những hậu quả xấu cho xã hội và đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người nên có đủ dấu hiệu của “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự hiện hành, đó là hành vi của người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các biện pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc.

Mức hình phạt tù đối với tội này lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Khi phát hiện hành vi bỏ trốn và hậu quả xảy ra làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo pháp luật.

LS Phạm Thị Thu

Cũng theo Luật sư Phạm Thị Thu, đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ để người bị nhiễm bệnh trốn khỏi nơi cách ly, không kiểm soát được tình hình khu vực cách ly thì cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức đó cần ra quyết định đình chỉ công tác.

Sau đó xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người này. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị khởi tố về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật hình sự.

Còn ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao cho rằng, hành vi khai báo không đúng, trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh đã có dấu hiệu của tội phạm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Lực lượng chức năng khử trùng những nơi có người nhiễm Covid-19

Ngay khi phát hiện sự việc và hậu quả xảy ra, cơ quan CSĐT có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can để kịp thời răn đe phòng ngừa chung, sau đó áp dụng biện pháp cách ly điều trị trong quá trình điều tra vụ án. Sau đó, tùy diễn biến của người bệnh, cơ quan điều tra sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn và giải quyết vụ án.

Đối với các trường hợp bệnh nhân 17, 34, 100, 178… ông Hùng cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng này đã rõ ràng, đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can. Và việc họ chữa khỏi bệnh thì về phía cá nhân họ được thoát khỏi bệnh, còn hành vi cấu thành tội phạm của họ đã hoàn thành và hậu quả gây cho xã hội rất lớn.

Vì vậy, các đối tượng này sẽ bị khởi tố theo khoản 1, điều 240. Theo đó, người nào thực hiện các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho con người thì phạt từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Cách ly y tế - biện pháp chống dịch Covid-19 được Tổ chức y tế thế giới nhận định là biện pháp thành công nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19, nếu không có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay cả cơ quan chức năng thì rất khó có thể biết đến khi nào dịch được khống chế và dập tắt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang