Luật sư nói gì về việc Thế Giới Di Động 'tự miễn giảm' tiền thuê mặt bằng?

Thứ Bảy, 09/10/2021 15:41

|

(CAO) Mấy ngày qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện văn bản của Công ty CP Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh) thông báo tới các đối tác về việc Thế Giới Di Động không đóng tiền thuê mặt bằng cho các chủ nhà trong thời gian đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Cửa hàng TGDĐ tại giao lộ Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận).

Hành vi pháp lý đơn phương mà Thế Giới Di Động (TGDĐ) tự thực hiện như cắt giảm một phần tiền thuê theo tỉ lệ tự ấn định và chuyển phần tiền còn lại vào tài khoản bên cho thuê mà chưa được sự đồng ý của bên cho thuê đang có những tranh cãi trái chiều trên cộng đồng mạng.

Trả lời PV về việc thông báo đang lan truyền trên MXH, ông Đặng Thanh Phong – Trưởng phòng Truyền thông của TGDĐ cho biết, Công ty đã tìm cách liên hệ với chủ nhà nhưng không được. Trước đó, Công ty đã gửi hai công văn tới bên cho thuê và văn bản lan truyền trên mạng là công văn thứ ba.

Văn bản của TGDĐ

Về vấn đề này, Luật sư Đỗ Hồi Khanh (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, các trường hợp không phải thanh toán tiền thuê nhà khi hợp đồng (HĐ) thuê nhà các bên có thỏa thuận “Bên thuê nhà được miễn tiền thuê nhà khi rơi vào các trường hợp bất khả kháng” thì việc không thanh toán tiền thuê nhà được áp dụng cho bên thuê nhà nhưng bên thuê phải thực hiện thông báo để bên cho thuê được biết.

Đối với trường hợp không thỏa thuận trong HĐ, thì bên thuê nhà muốn được miễn, giảm tiền thuê nhà thì cần vận dụng quy định về quyền đàm phán lại HĐ khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Khoản 1, Điều 420, Bộ luật Dân sự 2015. Nếu như bên cho thuê không đồng ý, bên thuê vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Luật sư Đỗ Hồi Khanh
Một cửa hàng TGDĐ trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 420, Bộ luật Dân sự 2015, dịch Covid-19 đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được coi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” có thể hiện bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Do vậy, bên thuê mặt bằng (TGDĐ) không được tự ý không thanh toán hoặc giảm tiền thuê khi chưa đàm phán và được sự đồng ý của bên cho thuê. Bên thuê có thể yêu cầu người cho thuê đàm phán lại HĐ theo hướng đề nghị được giảm một phần hoặc toàn bộ tiền thuê mặt bằng trong thời gian dừng kinh doanh do dịch Covid-19. Đây cũng là cách để các bên hợp tác, chia sẻ rủi ro khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì các bên được kéo dài một khoản thời gian hợp lý để thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, có nghĩa rằng, sự kiện bất khả kháng xảy ra không xóa bỏ đi nghĩa vụ phải thanh toán tiền thuê mặt bằng của bên thuê.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Chúng ta có thể hiểu rằng trách nhiệm dân sự được miễn ở đây có thể là: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng, trách nhiệm chịu phạt do vi phạm hợp đồng (do chậm trả hoặc không trả tiền thuê mặt bằng).

Quy định pháp luật hiện hành chưa có điều khoản nào khẳng định người đi thuê mặt bằng được quyền miễn tiền thuê mặt bằng, và người cho thuê mặt bằng có nghĩa vụ miễn tiền thuê mặt bằng do sự kiện bất khả kháng. Do đó, có thể hiểu rằng trách nhiệm trả tiền thuê mặt bằng của người đi thuê sẽ không mất đi.

Cửa hàng Điện máy xanh (thuộc hệ thống của Công ty CP Thế Giới Di Động) trên đường Phan Đăng Lưu, Q. Phú Nhuận đã trả mặt bằng

Như vậy, trường hợp trong HĐ “không có thỏa thuận về việc khi xảy ra dịch bệnh, cửa hàng bị tạm ngừng hoạt động” thì TGDĐ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Về bản chất, tranh chấp nảy sinh ở đây là tranh chấp về lợi ích kinh tế giữa người thuê mặt bằng và người cho thuê. Vì thế, việc giải quyết chỉ có thể thực hiện ổn thỏa trên cơ sở thiện chí của cả hai bên, nhất là người cho thuê.

Trường hợp bên cho thuê không đồng ý với thỏa thuận và đề nghị của TGDĐ và Công ty này không thanh toán tiền thuê nhà thì đối tác thuê mặt bằng có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang