Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản “khất nợ” thanh toán trái phiếu

Thứ Năm, 23/02/2023 22:58

|

(CAO) Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo danh sách 54 tổ chức phát hành công bố chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, trong đó có hàng loạt doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, trong giai đoạn từ 16-9-2022 đến ngày 31-1-2023, thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu. Trong số này có những doanh nghiệp từng huy động trái phiếu quy mô lớn như Công ty Đầu tư Quang Thuận, Công ty Sunny World, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bông Sen...

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp “khất nợ” thanh toán trả gốc, lãi trái phiếu có hàng loạt công ty bất động sản như: Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Đầu tư LGD, Apec Land Huế, Đất Xanh miền Nam…

Khó khăn về dòng tiền khiến nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" thanh toán trái phiếu

Trước đó, Công ty chứng khoán VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 251.849 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm 2022. Trong đó tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành Bất động sản, Tài chính – Ngân hàng, khác lần lượt là 42,8%, 30,8% và 26,4%.

Trong Quý 1 năm 2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước đạt 31.241 tỷ đồng, tăng 253,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong Qúy 2 và Qúy 3 năm 2023 với giá trị lần lượt ước đạt 76.572 tỷ đồng và 83.127 tỷ đồng. Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong Qúy 4 năm 2023 sẽ hạ về mức dự kiến 60.908 tỷ đồng.

Theo VNDirect, trong bối cảnh chính sách tiền tệ chặt chẽ, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.

Liên quan hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài, thay đổi kỳ hạn của trái phiếu.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán bằng tài sản khác khi được sự đồng ý của trái chủ. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn về dòng tiền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang