TPHCM: Tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội

Thứ Tư, 13/12/2023 08:36  | Trung Hiếu

|

(CATP) Từ nhiều nguyên nhân, tính đến thời điểm này, TPHCM rất khó hoàn thành theo chỉ tiêu đã đề ra đối với các dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, trên cơ sở nhìn nhận lại những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại để tháo gỡ, TPHCM đã, đang và sẽ nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp như: ban hành quy trình giải quyết cụ thể; rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư; đề xuất được vay vốn ưu đãi; chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng NƠXH theo đúng quy định của pháp luật...

Chưa đạt được kỳ vọng

Tại kỳ họp thứ 13 diễn ra cách đây không lâu, HĐND TPHCM đã giám sát chuyên đề về việc triển khai, thực hiện các dự án NƠXH trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016 - 2025. Giai đoạn 2016 - 2020, vấn đề NƠXH phát triển tương đối mạnh mẽ, với 19 dự án NƠXH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, tương ứng 14.954 căn hộ cùng 1 dự án nhà lưu trú công nhân, tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân. Trong khi đó, chỉ tiêu phát triển NƠXH của TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 được đặt ra là khoảng 2,5 triệu m2 sàn NƠXH, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà; trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000m2 sàn, tương ứng khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 220.000m2 sàn, tương ứng khoảng 4.500 căn hộ; hiện vẫn còn ở mức thấp.

TPHCM đã triển khai 91 dự án NƠXH với tổng diện tích đất 210,4 ha, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ, với 6.678.730m2 sàn xây dựng, trong đó: 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích đất là 125,87 ha, quy mô 56.200 căn hộ, với 4.069.842m2 sàn xây dựng (có 46/49 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn năm 2016 - 2020). Tuy nhiên, tính đến quý II năm 2023, theo số liệu thống kê, TPHCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 623 căn hộ; có 7 dự án NƠXH và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258m2 (trong đó có 6 dự án NƠXH với quy mô 3.956 căn hộ, tổng diện tích sàn 289.326m2; 1 dự án nhà lưu trú công nhân với 1.040 căn, tổng diện tích sàn 93.932m2); ngoài ra hiện có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển NƠXH.

Dự án nhà ở xã hội chợ Bình Phú cũ (Q6, TPHCM) xây xong phần thô nhưng bị "đắp chiếu" suốt 2 năm qua

Như vậy, xét theo kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, thì trong giai đoạn còn lại, TPHCM phải phấn đấu phát triển 2,440 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH. Để làm được điều này, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Quỹ phát triển nhà ở TP cho các đối tượng mua NƠXH vay vốn để tạo lập nhà ở. Tính đến nay đã có 184 khách hàng vay gần 88 tỷ đồng; trong đó khu vực nội thành hiện hữu đạt 20,511 tỷ đồng với 44 khách hàng, khu vực nội thành phát triển đạt 57,330 tỷ đồng với 119 khách hàng, khu vực ngoại thành đạt 10,036 tỷ đồng với 21 khách hàng.

Theo lãnh đạo TPHCM, kết quả phát triển NƠXH trong thời gian qua mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về NƠXH, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận là quá trình triển khai các dự án NƠXH còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ; trong đó cần chú trọng hơn nữa đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (hiện còn kéo dài, tiến độ thực hiện chậm; chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng)...

Ngoài ra, hiện TP chưa bố trí quỹ đất phát triển NƠXH ở một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuât, khu công nghệ cao, làm ảnh hưởng đến sự chủ động trong việc chuẩn bị quỹ đất để thực hiện chương trình NƠXH mang tính dài hạn và căn cơ. Do đó, quỹ đất để phát triển NƠXH hiện nay chủ yếu từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải bàn giao và đất do các doanh nghiệp tự bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng.

Song song đó, loại hình NƠXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án NƠXH, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH vay vốn mua nhà chưa ổn định; giá trị cho vay còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng cho vay còn hạn chế; thủ tục đầu tư còn phức tạp nên không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm... cũng là một số nguyên nhân dẫn đến việc phát triển NƠXH giai đoạn này chưa đạt được kỳ vọng.

Một khu nhà ở xã hội tại TPHCM (Ảnh: CTV)

Tiếp tục nỗ lực...

Kết quả báo cáo giám sát của HĐND TPHCM cho thấy, mặc dù các dự án NƠXH trong giai đoạn 2016 - 2020 phát triển nhanh nhưng kết thúc giai đoạn này TP không đạt chỉ tiêu phát triển 1,78 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH (chỉ đạt tỷ lệ 66,8%); từ đó dẫn đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương 35.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất thấp, khó khả thi. Do đó, HĐND TP giao UBND TP khẩn trương rà soát, điều chỉnh một số quy định, quyết định phù hợp; tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở nhìn nhận được nhiều nhóm vướng mắc về triển khai dự án NƠXH, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để tập trung giải quyết, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân; đồng thời UBND TP cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và các cơ quan liên quan giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Được biết, hiện Chính phủ đã phân cấp cho UBND TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chung đô thị TPHCM nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hài hoà và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhưng không làm thay đổi quan điểm và định hướng của quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó sẽ bảo đảm tiết kiệm được thời gian, kinh phí trong quá trình điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chung TP, đồng thời không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và xác định quỹ NƠXH trên địa bàn TP.

Vì vậy, trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Trước mắt, TPHCM đã hệ thống được trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH để các nhà đầu tư biết thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư; duyệt quy hoạch; giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; cấp Giấy phép xây dựng. Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và hoàn trả các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng NƠXH. Từ đó, UBND TP sẽ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp; bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, để cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển NƠXH.

Đối với thủ tục, quy trình triển khai dự án NƠXH còn nhiều phức tạp, UBND TP cũng sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ đến hết năm 2025; đồng thời cần tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án NƠXH và các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở được vay mua nhà...

Bình luận (0)

Lên đầu trang