Cơ hội chỉ đến khi doanh nghiệp sẵn sàng nắm bắt lợi thế

Thứ Hai, 27/05/2019 12:59

|

(CAO) Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức Hội thảo Kinh tế thường niên với chủ đề cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh triển khai Hiệp định đối tác toàn diện & tiến bộ Châu Á – Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Đây là hội thảo kinh tế bán thường niên do Techcombank tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các khách hàng doanh nghiệp kết nối mạng lưới, mở rộng chuỗi giá trị, đồng thời thu thập thông tin, kiến thức từ các chuyên gia kinh tế đầu ngành, cập nhật tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn.

Hai buổi hội thảo đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh, chia sẻ từ các diễn giả như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO & Hội nhập Kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các chuyên gia ngân hàng và hơn 300 khách hàng doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Thu Trang (VCCI) nhấn mạnh, CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) có phạm trù bao trùm nhất, cam kết mở cửa thị trường lớn nhất so với các FTA mà Việt Nam tham gia. Tác động với doanh nghiệp không chỉ là cơ hội thị trường, tăng cường xuất khẩu hàng hóa khi thuế cắt giảm mà còn là những hưởng lợi nhờ cải cách thể chế. Những cam kết trong CPTPP tạo ra những sức ép cải cách thể chế với Chính phủ và đây là những lợi ích không đo đếm được với doanh nghiệp.

Bà Thu Trang nhấn mạnh, những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa dịch vụ, cải cách thể chế của Việt Nam đều có lộ trình. Vì vậy, để có thể tận dụng ưu thế từ CPTPP, các doanh nghiệp Việt cần phải chủ động tìm hiểu thông tin thông qua các kênh chính thống của nhà nước, cũng như qua các diễn đàn kinh tế chuyên sâu như Techcombank tổ chức.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Hiệp định CPTPP là một cú hích để các doanh nghiệp thay đổi. Không những vậy, CPTPP và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) mở thêm cánh cửa để doanh nghiệp bước ra bên ngoài. Cơ hội không chỉ là xuất khẩu cho doanh nghiệp, mà còn là nhập khẩu cho chính phủ khi cam kết về mua sắm Chính phủ đã được mở rộng rất nhiều so với trước đây. Những đòi hỏi, yêu cầu trong CPTPP sẽ tạo ra những chuẩn mới cho Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

“Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang và dự báo còn kéo dài, những cơ hội lẫn thách thức với doanh nghiệp Việt Nam từ CPTPP càng nhiều hơn, đa chiều hơn. Doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác là phải thay đổi, bứt phá bằng mọi cách” – chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.

Bà Nguyễn Hương Giang – Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch cho rằng, yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp là cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được các cơ hội hiệu quả nhất đồng thời sẵn sàng đối đầu với các thách thức mới. Trong giao dịch ngân hàng, lâu nay, doanh nghiệp thường chỉ tập trung nhiều vào việc thương thảo mức lãi suất vay thấp hoặc giảm chi phí thanh toán trên giao dịch.

Trong khi đó, các vấn đề về giải pháp giảm chi phí từ rủi ro ngoại hối, rủi ro gian lận thương mại, rủi ro thanh khoản chưa được chú trọng. “Trên thực tế, việc quản lý dòng tiền hiệu quả, đảm bảo thu tiền đúng hạn, thanh toán tập trung theo kỳ nhất định giúp doanh nghiệp tối ưu hoá vốn tự có, giảm thiểu như cầu vay vốn không cần thiết, từ đó giảm thiểu chi phí vốn đáng kể. Việc quản lý rủi ro hiệu quả như bảo hiểm tỷ giá, bảo hiểm hàng hoá, am hiểu đối tác, am hiểu luật pháp và các quy tắc ứng xử quốc tế giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả rủi ro, đảm bảo sự ổn định về lợi nhuận trong kinh doanh” – bà Nguyễn Hương Giang chia sẻ.

Ông Vũ Minh Trường, Giám đốc Khối nguồn vốn của Techcombank dự báo, trong năm nay và năm tới, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại theo xu hướng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và xuất khẩu có bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường kinh doanh lành mạnh đang thể hiện tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã có chất lượng hơn.

Dự báo tỉ giá USD-VND tương đối ổn định và VND mất giá không quá 2% nếu như chiến tranh thương mại khônq quá leo thang mạnh và làm ảnh hưởng mạnh đến tỉ giá đồng CNY. Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đang dần chậm lại qua các năm và đây cũng là mục tiêu của ngân hàng nhà nước – điều này tạo tiền đề tốt cho khả năng lãi suất có thể được hạ xuống trong những năm tới.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ, trong bối cảnh Hiệp định CP TPP đã chính thức có hiệu lực và những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp cần cân nhắc rất kĩ trong việc lựa chọn lợi ích ngắn hạn để củng cố nguồn lực nội bộ cho những lợi ích dài hạn và sẵn sàng đón cơ hội phát triển. Techcombank, với mô hình kinh doanh lấy khách hàng là trọng tâm, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường phát triển; kết nối các đối tác kinh doanh để tạo chuỗi giá trị và mang lại cơ hội kinh doanh lớn hơn cho các khách hàng.

Hội thảo với chủ đề “Triển khai Hiệp định CPTPP và leo thang thương chiến Mỹ Trung” là khởi đầu cho chuỗi các hội thảo kinh tế tiếp theo của Techcombank – dự kiến được tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm - nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt được tiếp cận thông tin cập nhật nhất về diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, từ đó giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn và từng bước thành công hơn.

Techcombank kỳ vọng tạo ra những diễn đàn kinh tế - nơi các doanh nghiệp không chỉ được các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam tư vấn, hướng dẫn, mà đồng thời các doanh nghiệp cũng cùng đồng hành chia sẻ kiến thức và các kinh nghiệm thành công thông qua triển lãm các sản phẩm, dịch vụ nổi bật trong khuôn khổ sự kiện trong tương lai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang