Vỉa hè, chợ, quán bình dân... giá "mềm"
Được xem là "thủ phủ” bán cam và nước cam ép lớn nhất Q.Tân Bình, đường Phạm Văn Bạch có hàng chục cửa hàng, quán sá, chưa kể những người bán hàng rong, xe đẩy kinh doanh loại trái cây này. Ghé vào một quán nước cam bên vỉa hè, chúng tôi được người bán cam cho biết nước cam ép nguyên chất không ướp lạnh là 10 ngàn đồng/chai cỡ 200ml, loại ướp lạnh là 12 ngàn đồng/chai. Chủ quán lấy 4 quả cam ra cắt đôi rồi bỏ vào máy ép, giao cho khách.
Cách đó vài bước chân, chủ một cửa hàng khác bỏ hàng trăm ký cam vào những rổ nhựa, phía trước treo tấm bảng ghi giá cam: 4 ký chỉ 35 ngàn đồng. Cạnh đó là tủ đựng hàng chục chai nước cam ép lạnh giá 15 ngàn đồng/chai, 2 chai giá 25 ngàn đồng. Theo chị Nguyễn Thị Loan (kinh doanh cam sành trên đường Phạm Văn Bạch), đa số cam được bán ở đây là cam sành Vĩnh Long, tươi ngon, mọng nước. Giá cam lên, xuống tùy thuộc mùa vụ. Thời điểm trái mùa có thể lên đến vài chục ngàn đồng một ký, nhưng đúng mùa thì dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Không ít vụ mùa bội thu có khi chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Cam ép trên đường Phạm Văn Bạch giá chỉ 12.500 - 15.000 đồng/chai, nhưng quán cà phê C.T tính tới 69 ngàn đồng/ly
Nhiều quán cà phê, nước giải khát khác cũng bán nước ép trái cây với giá "yêu thương". Một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp) bán ly nước cam hoặc nước ép dưa hấu 20 ngàn đồng, nước ép thơm 22 ngàn đồng, sinh tố bơ 25 ngàn đồng... Tại một số quán "cóc" vỉa hè, nước ép trái cây, sinh tố cũng rất rẻ. Anh Định (chuyên bán trái cây và nước ép trái cây trên vỉa hè) cho biết thường bán cóc, ổi, cam, dưa hấu, dâu, sơ ri, mãng cầu... Tùy từng loại trái cây và ly lớn hay nhỏ mà giá từ 15.000 - 30.000 đồng/ly.
Trên nhiều tuyến đường, khu chợ tự phát trước các khu công nghiệp ở TPHCM, cam sành và nhiều loại trái cây khác cũng được bán với giá khá "mềm". Một người bán hàng rong trên QL50 bán 3 ký cam sành chỉ 25 ngàn đồng, một cặp vợ chồng đẩy xe trái cây trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q7) bán thanh long ruột đỏ 15 ngàn đồng/kg, thanh long ruột trắng 13k/kg, thơm 15 ngàn đồng/trái...
Tại chợ tự phát trước Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân), cam sành thường được bán với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, thanh long từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, dưa hấu từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, dừa xiêm từ 8.000 - 10.000 đồng/trái. Tương tự, tại chợ "chồm hổm" trước Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức), nho có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, chôm chôm Thái loại lớn 40.000 đồng/kg, chôm chôm thường 30.000 đồng/kg, bơ sáp từ 15.000 - 25.000 đồng/kg...
Trước chợ đầu mối Bình Điền, 5 trái dừa xiêm giá 20 ngàn đồng, nhưng quán cà phê T.N bán 50 ngàn đồng/trái
Ở các khu chợ đầu mối, nhiều loại trái cây được bán với giá còn rẻ hơn. Một quán trái cây đối diện chợ đầu mối Bình Điền bán dừa ta loại lớn nhất giá 12 ngàn đồng/trái, dừa xiêm 5 trái 20 ngàn đồng, mua 10 trái được khuyến mại thêm 1 trái. Quán bán dưa hấu gần đó treo bảng giá 8 ngàn đồng/kg. Tương tự, ở chợ đầu mối Thủ Đức, cam sành được tiểu thương bán chỉ 5 ngàn đồng/kg, dưa lê 17 ngàn đồng/kg, măng cụt, lựu Tứ Xuyên, nho mẫu đơn đồng giá 40 ngàn đồng/kg, chôm chôm và ổi Nữ hoàng đồng giá 15 ngàn đồng/kg, mận Hà Nội 20 ngàn đồng/kg, nhãn xuồng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, táo tàu 20 ngàn đồng/kg... Chị Linh (tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức) nói: "Các chợ đầu mối là nơi tập trung mặt hàng thịt, cá, trái cây, rau củ quả lớn nhất của thành phố nên giá cả ở đây rẻ hơn so với các chỗ khác là điều dễ hiểu. Tuy rẻ nhưng mình buôn bán được là may mắn rồi...".
Quán "Vip" tính giá cao ngất ngưởng
Trong khi ở ngoài đường, chợ búa, quán bình dân, quán "cóc" vỉa hè bán giá khá rẻ thì tại nhiều nhà hàng, quán cà phê sang, các loại trái cây, sinh tố, nước ép được bán với giá cao ngất ngưởng. Vào quán cà phê T.N trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q3), chúng tôi gọi một trái dừa tươi ướp lạnh. Ở ngoài đường, trái dừa tương tự giá chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng thì trong quán này tính giá 50 ngàn đồng. Các loại nước ép trái cây khác như: thơm, chanh dây, dưa hấu... quán này bán giá 68 ngàn đồng/ly, cam ép 77 ngàn đồng/ly.
Một ly đá chanh ở bên ngoài bán từ 10.000 - 15.000 đồng nhưng tại quán cà phê C.T trên đường Trần Quốc Thảo (Q3) giá lên tới 49 ngàn đồng. Một một ly cam ép khoảng 200ml có đường, không đá ở quán này giá 76 ngàn đồng, cao gấp gần 8 lần so với nước cam trên đường Phạm Văn Bạch. Các loại nước ép cà rốt, dưa hấu, chanh dây, thơm, ổi, dừa tươi... được quán C.T bán giá 66 ngàn đồng/ly. Chưa kể một lon Coca ở cửa hàng Bách Hóa Xanh tính giá 10.600 đồng, nhưng quán C.T bán với giá 46.000 đồng; chai nước suối bên ngoài từ 5.000 - 8.000 đồng thì quán này tính giá 46 ngàn đồng, cao gấp từ 5 - 9 lần so với thị trường.
Nửa ly nước ép dưa hấu ở quán cà phê C.S giá tương đương 8,6kg dưa hấu ở bên ngoài
Tương tự, tại quán cà phê C.S trên đường Nguyễn Du (Q1), các loại nước ép trái cây, cà phê... cũng có giá cao chót vót. Theo đó, các loại nước ép trái cây như: cóc xí muội, cam, bưởi, thơm, dưa hấu... giá 69 ngàn đồng/ly, trà sữa ô long, trà sữa truyền thống 59 ngàn đồng/ly, cà phê đen truyền thống 39 ngàn đồng/ly, cà phê sữa truyền thống 49 ngàn đồng/ly. Chúng tôi gọi một ly nước ép dưa hấu. Nhân viên của quán mang ra ly nước ép khoảng 150ml kèm đá lạnh. Sau khi bỏ đá ra khỏi ly nước, số nước ép còn lại chỉ khoảng 70 - 80ml. Với dung tích này, một số quán "cóc" trên vỉa hè bán trên dưới 10 ngàn đồng, nhưng quán C.S tính tới 69 ngàn đồng, đắt gấp 7 lần. Sau khi uống nước giải khát xong, chúng tôi còn phải mất thêm 10 ngàn đồng tiền gửi xe.
Đắt đỏ nhất phải kể đến quán cà phê R.N trên đường Ngô Đức Kế (Q1). Trong khi nhiều quán cà phê bình dân ở bên ngoài bán một ly trà trái cây (trà đào, trà vải, trà xoài...) từ 25.000 - 30.000 đồng thì quán R.N tính ly trà trái cây 80 ngàn đồng. Một ly cà phê đen ở ngoài từ 7.000 - 15.000 đồng thì quán R.N tính giá 70 ngàn đồng/ly cà phê đen nóng, 75 ngàn đồng/ly cà phê đen đá, 80 ngàn đồng/ly cà phê sữa nóng, 85 ngàn đồng/ly cà phê sữa đá...
Lý giải về giá thức uống cao chót vót, một chủ quán cà phê "Vip" cho biết do giá mặt bằng của những quán này rất cao. Cạnh đó, giá thuê nhân viên, tiền điện, nước, bảo vệ cũng không rẻ. Tất cả những chi phí này đều được cộng vào giá của đồ ăn, thức uống khiến "mặt bằng giá” trở nên đắt đỏ.
Giá trái cây khá rẻ ở ngoài chợ nhưng vào nhà hàng, quán cà phê "Vip" lại được "đôn" lên cao
Nhìn "menu" của một số nhà hàng, quán cà phê sang ở trung tâm TPHCM, anh Nguyễn Văn Hùng (công nhân may mặc ở Khu công nghiệp Tân Tạo) tặc lưỡi: "Bình thường tụi em ăn sáng hết 10 ngàn, một bữa ăn trưa và ăn tối của công nhân cỡ 25 - 30 ngàn, tổng cộng một ngày ăn của công nhân tầm 60 - 65 ngàn. Để uống một ly cà phê hoặc nước ép trái cây tại các quán cà phê "Vip" ở trung tâm Sài Gòn chắc công nhân phải nhịn đói cả ngày".
Anh Trần Văn Sang (tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức) cho biết, trong khi nông dân chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi của mình, thậm chí không ít thời điểm trái cây bán rẻ như cho, nhiều người phải kêu gọi "giải cứu" giúp nông dân thoát cảnh thua lỗ thì tại nhiều nhà hàng, quán cà phê sang, trái cây và các sản phẩm từ trái cây được bán với giá cao chót vót. Nghịch lý này nếu được khắc phục thì không chỉ giúp nông dân tìm được đầu ra bền vững, người tiêu dùng bớt gánh nặng giá cả mà chủ nhà hàng, quán cà phê cũng "dễ thở" hơn khi tính tiền cho khách.