Những vấn đề sẽ gặp phải khi xác thực sinh trắc học chuyển từ 10 triệu đồng:

Chuẩn bị các phương án gỡ khó khăn, vướng mắc

Chủ Nhật, 30/06/2024 12:56

|

(CATP) Ngày 27/6, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng khẩn trương triển khai nội dung sinh trắc học trong việc chuyển khoản từ 10 triệu đồng và lũy kế 20 triệu đồng/ngày bắt buộc phải xác thực. Để sẵn sàng các phương án về khó khăn, vướng mắc…, NHNN đã chỉ đạo đến các ngân hàng trên toàn quốc khẩn trương thực hiện.

Xài điện thoại "cùi bắp" phải làm sao?

Chuyên đề Công an TPHCM nhận được câu hỏi về tình trạng công dân đang dùng điện thoại không phải là loại điện thoại "thông minh", không màn hình cảm ứng hay không hỗ trợ NFC (là công nghệ giao tiếp trường gần, sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối), nói nôm na là đang dùng điện thoại "cùi bắp". Do vậy, một trong những lý giải thiết thực nhằm hỗ trợ người dùng là khách hàng, cho dù đang dùng điện thoại "cùi bắp" vẫn có thể chuyển khoản từ 10 triệu đồng, tuy nhiên cần phải đăng ký xác thực sinh trắc học với cơ quan Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư) và thao tác là đến trực tiếp tại ngân hàng.

NHNN cho biết, nhằm chủ động phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và các tổ chức khác có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học từ ngày 01/7/2024, ngày 25/6/2024, NHNN đã có Công văn số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Hỗ trợ kịp thời khi khách hàng đăng ký thông tin xác thực sinh trắc học

Ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Qua theo dõi, tổng hợp tình hình, NHNN hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Quyết định 2345. Đối với khách hàng chưa có căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp (khách hàng chỉ có CMND hoặc CCCD không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 được thực hiện là thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Sử dụng CCCD mang lại nhiều tiện ích

Trong đó, việc kiểm tra thực hiện như sau: "Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chíp của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chíp của đơn vị; hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập".

Giải quyết mọi thắc mắc kịp thời

Về lưu trữ thông tin thiết bị thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 2345, NHNN cho biết, đối với lưu trữ thông tin thiết bị (bao gồm cả trên máy tính sử dụng trình duyệt web) thực hiện giao dịch đơn vị lưu trữ các thông tin định danh về thiết bị thực hiện giao dịch theo nguyên tắc chỉ cần lưu các thông tin để có thể định danh duy nhất thiết bị.

Các thông tin nêu tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 2345 là các thông tin gợi ý và không bắt buộc lưu trữ tất cả các thông tin này. Về xác thực giao dịch đối với giao dịch nạp, rút tiền từ "ví điện tử" quy định tại Phụ lục 01 Quyết định 2345, đối với giao dịch nạp, rút tiền từ "ví điện tử" thông qua tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ liên kết chính chủ, nếu khách hàng đã thực hiện xác thực chính chủ với ngân hàng khi thực hiện liên kết bằng biện pháp xác thực đối với giao dịch loại B hoặc cao hơn (trừ biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học gắn liền với thiết bị cầm tay thông minh) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp xác thực đối với các giao dịch nạp, rút tiền từ "ví điện tử" có hạn mức theo quy định. Các giao dịch khác thực hiện theo quy định tại Quyết định 2345.

Cần phòng, chống tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao

Để sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng Quyết định 2345 kể từ ngày 01/7/2024, theo NHNN, các đơn vị tổ chức triển khai một số nhiệm vụ, đó là tổ chức truyền thông, hướng dẫn thực hiện đến toàn bộ khách hàng về việc triển khai các biện pháp xác thực giao dịch tương ứng với hạn mức giao dịch theo quy định tại Quyết định 2345; chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và các tổ chức khác có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học từ ngày 01/7/2024. Triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin. Để phòng tránh ách tắc giao dịch và hỗ trợ khách hàng kịp thời, khuyến khích các đơn vị đã hoàn thành triển khai sớm thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Thực hiện sinh trắc học để giao dịch từ 10 triệu đồng

Liên quan đến Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 có những điểm mới mà người dân cần biết như: chính thức đổi tên CCCD thành căn cước. Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Thẻ căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, công dân Việt Nam có nơi cư trú gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú hay nơi ở hiện tại được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Theo đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử, được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID). Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học, thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Riêng thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập nếu người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, gồm thông tin tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang