(CATP) Đây là vấn đề "nóng" mà Chuyên đề Công an TPHCM nhận được từ bạn đọc trong những ngày cận kề thời điểm 01/7/2024, khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày sẽ phải xác thực sinh trắc học. Trong trường hợp chủ tài khoản ngân hàng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, hay khuôn mặt có thay đổi về nhận dạng... thì sẽ phải làm sao? Dưới đây là những giải thích thiết thực nhất, gắn liền với vấn đề "nóng" này.
Cập nhật xác thực sinh trắc học mới nhất
Các ngân hàng cho biết, hiện nay đang tăng tốc triển khai việc xác thực sinh trắc học trong chuyển khoản trước ngày 01/7/2024, theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đây là bước xác thực cần thiết, gắn liền sự liên thông giữa các ngân hàng và Cơ sở dữ liệu quốc gia (thuộc Đề án 06 của Chính phủ), do Bộ Công an quản lý. Từ ngày 01/7/2024, khách hàng của ngân hàng phải thực hiện xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Theo đó, giao dịch chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần, hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày, bắt buộc phải xác thực khuôn mặt... Việc này để bảo đảm giao dịch của khách hàng an toàn trước tình trạng lừa đảo đã và đang xảy ra. Điểm khác biệt của việc xác thực khôn mặt theo quy định mới là chủ tài khoản phải chụp hình căn cước công dân (CCCD) gắn chíp còn hạn sử dụng, gồm chụp mặt trước, mặt sau và đọc dữ liệu trên chíp CCCD. Thực hiện xác thực dữ liệu khuôn mặt và cập nhật thông tin theo yêu cầu... từ phía ngân hàng. Theo đó, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt phải khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an quản lý.
Từ ngày 01/7/2024 công dân cần thay đổi, chỉnh sửa về sinh trắc học thì đến cơ quan Công an để thực hiện
Tuy nhiên vấn đề gặp phải đó là trên thực tế, một số khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ, như: sửa mũi, cắt mí mắt, chỉnh sửa khuôn mặt, chỉnh hàm răng... dẫn đến khuôn mặt khi quét qua sinh trắc học không trùng khớp với dữ liệu đã lưu trên hệ thống dữ liệu của cơ quan Công an (Cơ sở dữ liệu quốc gia), từ đó sẽ không thực hiện được lệnh chuyển tiền khi sử dụng sinh trắc học. Về việc này, theo các ngân hàng, khách hàng cần nhanh chóng liên hệ cơ quan Công an nơi cấp CCCD để thay đổi, chỉnh sửa dữ liệu hình ảnh trên CCCD (mặc dù CCCD còn hạn sử dụng). Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2024, công dân cần thay đổi dữ liệu, như ghi nhận lại sinh trắc học thì mang những giấy tờ cần thiết theo quy định đến cơ quan Công an để thực hiện trước khi làm thủ tục sinh trắc học với ngân hàng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Như Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin, kể từ ngày 01/7/2024, khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ Căn cước (thay cho CCCD trước đây) sẽ được thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt tại cơ quan Công an cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt. Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước tại cơ quan Công an như: Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).
Công an TPHCM khám phá băng nhóm lừa đảo qua mạng
Về việc thu thập mống mắt để bổ sung cho thẻ Căn cước, Điều 46 Luật Căn cước cũng nêu rõ, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước mới. Ở trường hợp này, về phía các ngân hàng khuyến nghị với những người có phẫu thuật thẩm mỹ, khuôn mặt thay đổi... mà sinh trắc học trên CCCD có trước đây mặc dù còn hạn sử dụng, nhưng về sinh trắc học lại có sự thay đổi, nên cần bổ sung (thu thập sinh trắc học) để đổi sang thẻ Căn cước mới. Bộ Công an cũng cho biết, với thẻ CCCD vẫn được sử dụng bình thường nếu thời hạn trên thẻ vẫn còn mà không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung cho thẻ này. Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt.
Việc phải xác thực sinh trắc học với các lệnh chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc mỗi ngày trên 20 triệu đồng có hiệu lực từ 01/7/2024, góp phần vào việc phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên đấu tranh với loại tội phạm này thì người dân vẫn phải nêu cao sự cảnh giác. Theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 thủ đoạn. Năm 2023, các hệ thống cảnh báo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận gần 17.400 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến từ người dùng internet. Riêng quý I/2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tiếp nhận hơn 4.100 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến; 60% người truy cập bị lừa đảo khi sử dụng thiết bị di động. Trong đó có nhiều thủ đoạn lừa đảo qua việc thao túng tâm lý để nạn nhân sợ hãi và nghe theo lời thủ phạm đến ngân hàng chuyển tiền... Với những thủ đoạn này thì biện pháp xác thực sinh trắc học sẽ bị vô hiệu vì việc chuyển tiền do chính chủ tài khoản thực hiện, không có cách gì ngăn chặn.
Tội phạm lừa đảo qua mạng sử dụng công nghệ cao với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện
Mới đây, NHNN cũng thông tin về hiện tượng mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Theo thông tin từ Bộ Công an, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng và trả công cho người mở. Đối tượng cung cấp cho học sinh điện thoại gắn sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và các dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. Sau đó, các đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin nói trên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)... Điều đáng nói là các đối tượng này cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh, sinh viên để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Các tài khoản này sau đó thường được sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ tội phạm...
Theo chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc áp dụng sinh trắc học chỉ có thể hạn chế số tiền thiệt hại của chủ tài khoản. Trong trường hợp điện thoại bị chiếm quyền kiểm soát, kẻ gian vẫn có thể lấy được tiền dưới 20 triệu đồng/ngày. Đồng thời, tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng sẽ gặp khó khăn hơn, chậm chuyển tiền đi hơn (do vậy khi phát hiện cần báo ngay cho ngân hàng và Công an gần nhất). Những thiệt hại về tiền nhiều nhất trong các vụ lừa đảo là khi người dân chủ động chuyển tiền cho tội phạm, có những vụ việc lên cả hàng chục tỷ đồng. Do đó, chủ tài khoản ngân hàng và người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh lừa đảo. Riêng thẻ tín dụng không dùng sinh trắc học nên chủ thẻ phải bảo quản thông tin nhằm ngăn chặn bị lấy cắp thông tin, từ đó kẻ gian lợi dụng thanh toán trên mạng.
Để ngăn chặn hoạt động lừa đảo qua mạng, Bộ Công an đang khẩn trương phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng, dự kiến ra mắt trong quý III/2024.
Các chuyên gia khuyến cáo, thẻ tín dụng chỉ ưu tiên hóa sự tiện lợi và thanh toán không cần OTP, sinh trắc học nên trong trường hợp thẻ bị lộ thông tin, hack tài khoản thì khó có thể ngăn chặn được gian lận. Lừa đảo có nhiều thủ đoạn khác nhau nên việc ứng dụng sinh trắc học trong chuyển khoản chỉ hạn chế chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chứ không ngăn chặn hết được các thủ đoạn lừa đảo. Trong trường hợp tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu, tìm ra được lỗ hổng và sử dụng sinh trắc học trong chuyển khoản thì cũng khó ngăn chặn. Bởi tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, chẳng hạn như công nghệ Deepfake có thể giả mạo khuôn mặt. Chính vì vậy, ngoài triển khai những biện pháp bảo mật, các ngân hàng cũng nên tăng cường việc cảnh báo thủ đoạn, cảnh báo tài khoản lừa đảo để nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của chủ tài khoản.