6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng liên tục, đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như gây áp lực lên điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh này, với chính sách và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), các ngân hàng thương mại nói chung và Nam A Bank nói riêng đã duy trì hoạt định ổn định với nhiều kết quả khả quan, góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô hơn 200,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12,74% so với đầu năm), Nam A Bank gia nhập vào nhóm 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng trưởng tốt đạt gần 151,197 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 16% so với đầu năm, hoàn thành 98% kế hoạch năm 2023); dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN cấp phép, đạt hơn 129,3 nghìn tỷ đồng (tăng 8,1% so với đầu năm, hoàn thành gần 98% so với kế hoạch năm 2023).
Nam A Bank đạt nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tiếp giảm lãi suất điều hành 4 lần. Áp lực nợ xấu và suy giảm NIM cả hệ thống ngân hàng đều đối mặt. Nợ xấu tại Nam A Bank không nằm ngoài xu thế chung của ngành, hiện đang tăng nhẹ mức 2,7% (tuy nhiên nợ cần chú ý - nhóm 2 của Nam A Bank giảm hơn 21%) do tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi ảnh hưởng đến năng lực tài chính của khách hàng. Đây là thực trạng chung của toàn ngành, do đó chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, đơn cử như Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ khôi phục trong những quý tiếp theo. Điểm tích cực là NIM của Nam A Bank vẫn ổn định ở mức trên 3,2% trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay khách hàng thu hẹp, nhờ vào các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động. Nguồn thu ngoài lãi cũng là điểm sáng của Nam A Bank khi chỉ số này có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 241,6 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn thế nữa, các chỉ số về an toàn trong hoạt động vượt xa mức quy định của NHNN. Nam A Bank cũng đã tuân thủ các chỉ số thanh khoản, đạt được tiêu chí của Basel III. Tỉ lệ an toàn vốn CAR đạt trên 9,5% (tối thiểu theo quy định của NHNN là 8%), tỉ lệ dư nợ cho vay trên huy động LDR đạt 71,6% (tối đa theo quy định của NHNN là 85%), tỉ lệ dự trữ thanh khoản LCR 20,54% (tối thiểu theo quy định của NHNN là 10%), tỉ lệ khả năng chi trả 30 ngày VND đạt trên 134,28%(tối thiểu theo quy định của NHNN là 50%), tỉ lệ khả năng chi trả 30 ngày USD là 38,99% (tối thiểu theo quy định của NHNN là 10%), tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 22,58% (tối đa theo quy định của NHNN là dưới 34%). Nam A Bank cũng là ngân hàng luôn ở vị thế cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng. Nam A Bank vẫn duy trì chiến lược thanh khoản ổn định và an toàn.
Đà tăng trưởng này đã góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế Nam A Bank đạt 1524,8 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023 (tăng gần 30,21% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 46% so với kế hoạch năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát theo quy định của NHNN.
Để đạt được những kết quả quan trọng trên, song hành cùng việc thực hiện tốt các chính sách của NHNN, Nam A Bank đã thực hiện quản trị và vận hành linh hoạt dựa trên hệ thống công nghệ bảo mật.
Theo đó, thực hiện chủ trương của NHNN, 6 tháng đầu năm 2023, Nam A Bank đã liên tục giảm lãi suất cho vay (từ 0,5%/năm - 2%/năm) cho tất cả khách hàng (KH) nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mới đây, Nam A Bank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đến 3%/năm đối với khoản vay VNĐ và 1,6%/năm đối với khoản vay USD dành cho KH doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… cũng được Ngân hàng triển khai kịp thời, góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, về dòng tiền, để duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng.
ONEBANK – một trong những điểm sáng về công nghệ của Nam A Bank
Với vai trò là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, Nam A Bank đang không ngừng nâng cấp hệ sinh thái ngân hàng số, sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt và sáng tạo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu KH. Trong đó, dịch vụ thẻ, Open Banking, ONEBANK tiếp tục tăng trưởng tốt về số lượng và giá trị giao dịch. 6 tháng đầu năm nay, Nam A Bank ghi nhận số lượng KH active đạt hơn 900.000 KH (tăng gần 43% so với đầu năm, hoàn thành gần 85% so với kế hoạch năm 2023), số lượng thẻ tín dụng đạt hơn 130.000 thẻ (tăng 11,4% so với đầu năm, hoàn thành hơn 40% so với kế hoạch năm 2023), số lượng User Banking đạt gần 700.000 user, tăng hơn 42% so với đầu năm, hoàn thành gần 80% so với kế hoạch năm 2023)…
Hiện tổng số đơn vị kinh doanh của Ngân hàng trên toàn quốc đạt gần 250 điểm (trong đó có gần 150 điểm giao dịch truyền thống và gần 100 điểm giao dịch số ONEBANK), tự tin đáp ứng nhu cầu giao dịch của hàng triệu KH khắp cả nước.
Song song với đẩy mạnh kinh doanh, Nam A Bank luôn dành ngân sách cho các hoạt động hướng đến cộng đồng. 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã dành gần 60 tỷ đồng cho nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như: trao tặng 10 tỷ đồng xây dựng cầu giao thông tại tỉnh Long An, tặng nhà tình thương cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chuỗi hành trình Tết hạnh phúc với tổng chi phí gần 5 tỷ đồng…
6 tháng cuối năm 2023 nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, Chính phủ Việt Nam sẽ có những điều chỉnh nhất định về chính sách kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tạo dư địa lớn hơn cho việc hồi phục và tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh này, để có thể đón đầu và tận dụng tốt các cơ hội thị trường, Nam A Bank sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tăng trưởng bền vững và hiệu quả bằng những hoạt động cụ thể như: Tăng trưởng mạnh cơ số KH một cách có chọn lọc thông qua việc đẩy mạnh liên kết với các hệ sinh thái có quy mô lớn, xây dựng chuỗi sản phẩm phù hợp với đặc thù hệ sinh thái, tiến đến triển khai bán hàng toàn diện cho KH trong hệ sinh thái; Điều hành chính sách kinh doanh theo hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến và xu hướng thị trường nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh cũng như tăng dần tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trên tổng thu nhập; Tái cấu trúc toàn diện công tác kinh doanh, vận hành, tác nghiệp theo hướng số hóa và hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro theo hướng chủ động và chuyên sâu…