Thủ tướng yêu cầu phát triển thị trường vàng minh bạch
Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng rất nhanh, đẩy cách biệt giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng lớn, có nhiều lúc giá chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC ngày 26/12/2023 tăng rất cao, lên đến hơn 80 triệu đồng/lượng, xô đổ mọi kỷ lục trước đó.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Công điện chỉ ra tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Công điện yêu cầu NHNN thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước; dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua. Công điện cũng yêu cầu đánh giá tổng thể thị trường vàng, bao gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... với mục tiêu nhằm phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Dù mới có công điện của Thủ tướng, NHNN chưa kịp có động thái gì nhưng giá vàng trong nước đã lao dốc. Lúc 10 giờ sáng 29/12/2023, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng 28/12/2023, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này giảm 8,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 5,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tương tự, tại TPHCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74 triệu đồng/lượng (bán ra).
SJC vẫn là thương hiệu vàng có giá hiện nay
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tại Châu Á lúc hơn 10 giờ ngày 29/12/2023 (theo giờ Việt Nam) đứng ở mức 2.069 USD/ounce, tăng gần 4 USD. Mức giá này tương đương khoảng 60,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank, giảm 600.000 đồng/lượng so với sáng hôm trước. So với giá vàng thế giới, giá vàng SJC bán lẻ vẫn đang cao hơn khoảng 13,1 triệu đồng/lượng.
Ngày 31/12/2023, giá vàng SJC tại TPHCM và Hà Nội cũng gần bằng vài ngày trước đó. Giá vàng như "nín thở" chờ đợi những động thái của NHNN. Trong 2 ngày 06 và 07/01/2024 cũng như 4 ngày trước đó, giá vàng vẫn có điều chỉnh tăng, giảm nhưng vẫn loanh quanh ở mốc 75 triệu đồng/lượng; giá vàng miếng SJC tiếp tục cao hơn vàng nhẫn cùng thương hiệu 12 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch với giá vàng SJC trong nước vẫn ở mức cao (khoảng 13,8 triệu đồng/lượng).
Như vậy giá vàng thế giới so với trong nước, từ chênh lệch hơn 20 triệu đồng/lượng, đến nay vẫn ở mức cao (từ 13,5 đến 13,8 triệu đồng/lượng). Đây là mức vô lý bởi giá vàng trong nước liên thông với thế giới, sao vẫn có mức chênh lệch cao như vậy?
Trong khi đó, ở một số thị trường khác như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore hay Nhật Bản, giá vàng trong nước thường ngang bằng hoặc chênh lệch một vài chục USD/ounce so với giá quốc tế; cho thấy thị trường vàng ở Việt Nam bất ổn, khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao.
Không chấp nhận giá vàng chênh lệch quá cao
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, do NHNN tổ chức ngày 03/01/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Nhà nước tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ, mua bán vàng của người dân, không khuyến khích kinh doanh, bảo hộ cho giá cả, nhưng cũng không chấp nhận việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tới 20 triệu đồng mỗi lượng như vừa qua". Ông Tú cũng nói rằng, cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao.
Cần có giải pháp để giảm chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới
Nói về Nghị định 24, ông Tú thông tin: "Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 đã phát huy được vai trò quan trọng, nhưng chính sách quản lý 10 năm không còn phù hợp, cần được thay đổi. Chúng tôi thấy rằng câu chuyện quản lý vàng lúc này là sự cần thiết của việc sửa đổi Nghị định 24. Việc duy trì sự độc quyền của vàng miếng SJC hay có thêm nhiều thương hiệu khác theo sự tư vấn của các chuyên gia sẽ được xem xét".
Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế. Ông Tuấn cũng cho biết, từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu. Hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN.
Thực tế, từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC khan hiếm, thậm chí trong lưu thông vàng SJC còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cuối tháng 7/2022, bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc SJC cho biết, vấn đề chênh lệch giá vàng thì Công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đến 400 tỷ/năm đến giờ chỉ đạt 74 - 80 tỷ lãi ròng. Qua đó cho thấy SJC có độc quyền vàng miếng cũng chẳng lợi lộc gì. Từ đó các chuyên gia đặt ra nhiều câu hỏi vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới từ 15-20 triệu đồng/lượng? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng...
Đó cũng là lý do Công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu đánh giá tổng thể thị trường vàng. Chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong tháng 01/2024 sẽ có báo cáo về các vấn đề liên quan đến Nghị định 24, có thể đề nghị sửa đổi để quản lý thị trường vàng. Và thực tế cho đến ngày 07/01/2024, Thống đốc NHNN chỉ mới ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN, có hiệu lực kể từ ngày 02/01/2024.
Nhập hay không nhập khẩu vàng?
Có thể thấy hai vấn đề nổi cộm về quản lý giá vàng hiện nay của NHNN: Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như thời gian qua, cũng không chấp nhận mức chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác đến vài triệu đồng/lượng. Tuy nhiên NHNN vẫn muốn độc quyền về nhập khẩu vàng và độc quyền về thương hiệu vàng quốc gia SJC. Chính vì vậy đã tạo nên chênh lệch lớn về giá vàng độc quyền.
Làm sao để thị trường vàng cân bằng, giá trong nước và giá thế giới không quá chênh lệch như các nước khác? Các chuyên gia tính toán, nếu tính tất cả chi phí thì chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là mức có thể chấp nhận được. Còn chênh lệch từ 2-5 triệu đồng/lượng là mức cao và chênh lệch từ 5 triệu đồng trở lên là rất cao.
Từ năm 2020, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã kiến nghị NHNN không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền. NHNN nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang có tín hiệu rất khan hiếm nên NHNN xem xét có thể sản xuất thêm một lượng lớn vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng "sốt" giá vàng.
Hiệp hội Kinh doanh vàng còn kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để Việt Nam có một thị trường vàng mở, nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, để bảo đảm không tạo ra chênh lệch lớn về giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay, đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu vàng lậu đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, từ tháng 8/2023 hiệp hội đã có văn bản xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp là: Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) rất bài bản, trong khuôn khổ của Nghị định 24 nhưng chưa được chấp thuận.
Trong khi đó cũng có ý kiến ngược lại. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM vẫn cho rằng, việc siết chặt, thậm chí hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng trong nước là cần thiết để tránh hao tổn ngoại tệ, yếu tố có thể gây mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể. Ông Huân nói, việc đánh đổi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng là xa xỉ trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay. Trong khi đó, ngoại tệ, xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài.
Có nên xây dựng một thị trường vàng mở hay không; vai trò của vàng SJC; nhập khẩu hay không nhập khẩu vàng... là những câu hỏi mà giới kinh doanh vàng đang chờ động thái sửa đổi Nghị định 24 của NHNN sẽ làm ngay trong tháng 01/2024. Trước mắt, có thể thị trường vàng sẽ tiếp tục "bất động" và nếu có biến động cũng không lớn.