Tết Nhâm Dần 2022: Dự báo sức mua tại TPHCM giảm so với năm ngoái

Thứ Bảy, 04/12/2021 13:25

|

(CAO) Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Tết gặp khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng, sức mua yếu..., đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân đối nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, bình ổn giá hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022.

Dự đoán sức mua giảm, sản xuất gặp nhiều khó khăn

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên mức tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu dịp Tết năm nay dự đoán có thể giảm khoảng 15% đến 20% so với năm ngoái.

Một số doanh nghiệp lớn đang sản xuất gối đầu cho 1 tháng trước Tết Nguyên đán và 1 tháng sau Tết nhưng do sức mua đang chậm, diễn biến thị trường khó lường và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp không tăng sản lượng nhiều, càng không dám phát triển nhiều sản phẩm mới như mọi năm.

Bên cạnh đó, việc tăng giá hàng hóa được doanh nghiệp xem xét thận trọng. Nhu cầu thị trường quyết định giá bán, năm nay nếu doanh nghiệp sản xuất tăng giá nhiều sẽ rất khó bán hàng, rủi ro lớn nên các doanh nghiệp đang tập trung nhiều chương trình khuyến mãi để làm nóng sức mua của thị trường và tập trung vào các mặt hàng ở phân khúc bình dân.

Người dân mua hàng tại siêu thị

Hiện nay ngoài giá xăng dầu, gas, nhân công tăng, không ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chịu áp lực lớn khi giá bao bì, nguyên vật liệu đã tăng 10 - 35% so với lúc giá tốt. Điều này đang là nguyên nhân chính tạo áp lực lớn lên giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp.

Do đó, nếu không có giải pháp giúp ổn định giá đầu vào, giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm có thể sẽ phải tăng vào cuối năm; mặc dù, các doanh nghiệp đều rất cân nhắc ở vấn đề này, sẽ cố gắng giảm các chi phí không cần thiết để ổn định giá bán chừng nào tốt chừng đó.

Đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu

Tuy nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân, đồng thời sức mua các mặt hàng thiết yếu năm nay được dự báo sẽ giảm đến 20-30% so với năm trước nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong ngành Lương thực thực phẩm TPHCM đều đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết và đảm bảo sẽ không thiếu hàng nhờ kế hoạch sản xuất được đẩy mạnh.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết: “Đơn cử như đối với các mặt hàng trứng, thịt gia cầm thì sản lượng luôn đảm bảo được nguồn cung trứng tăng hơn 50% so với bình thường cho thị trường cao điểm cuối năm, đặc biệt tháng giáp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, riêng đối với mặt hàng được tiêu dùng nhiều dịp Tết là thịt lợn, nhiều doanh nghiệp cho biết đã chuẩn bị nguồn cung để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thị trường, dự kiến tăng khoảng 8- 10% so với năm ngoái. Nhiều đơn vị sản xuất, dịch vụ cũng cho hay đã bắt đầu nhộn nhịp tăng nhân công hoặc tăng ca làm hàng Tết.

Công ty Vissan cho hay, với sản lượng hàng phục vụ Tết năm nay dự kiến tăng 6 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái - tương ứng với 2.860 tấn thực phẩm tươi sống và 4.225 tấn chế biến, đơn vị đã tăng cường thêm hàng trăm lao động thời vụ hay Công ty Sài Gòn Food dự kiến tăng khoảng 10%, trong đó tập trung các chủng loại thực phẩm chế biến dùng nhanh, biếu tặng như lẩu các loại, bò viên, nước sốt gia vị…

Trong thời điểm giá nguyên liệu và các chi phí khác tăng cao, thì để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá hàng hóa dịp cuối năm 2021, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã trực tiếp trao đổi và khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, thu mua chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ nguyên liệu sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, kể cả trong tình huống nhu cầu tăng cao thì vẫn đảm bảo; kết hợp với triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có thể giữ giá ổn định, trong trường hợp bắt buộc phải tăng thì mức tăng cũng không cao và đột ngột.

Đồng thời, Hội tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, để có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa, nguyên liệu bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Song song đó, tích cực phối hợp với các Sở, ngành thành phố tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; đơn cử như giữa tháng 12 Hội sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành Lương thực thực phẩm năm 2021” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Lương thực thực phẩm quảng bá, giới thiệu thương hiệu, qua đó đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thêm đối tác; đây được xem như các hoạt động chính hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang