(CAO) Dù chưa thỏa thuận đền bù đồng nào cho dân, nhưng chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Nhật Hoàng (gọi tắt là Công ty Nhật Hoàng) đã san lấp mặt bằng, thi công dự án trên 816,1m2 đất của dân.
Sự việc xảy ra tại đường số 4, KP.Ích Thạnh, P.Trường Thạnh, Q9, TPHCM gây bức xúc trong dân.
NGANG NHIÊN THI CÔNG KHI CHƯA ĐỀN BÙ
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Trọng (85 tuổi, thường trú: 80/53 đường số 4, KP.Ích Thạnh, P.Trường Thạnh, Q9) gửi Báo Công an TPHCM, bà bị Công ty Nhật Hoàng công khai chiếm đất.
Theo đó, Công ty Nhật Hoàng là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở, đất ở tại đường số 4, KP.Ích Thạnh, P.Trường Thạnh, Q9. Dự án này liền kề với ranh giới đất gia đình nhà bà Trọng. Quá trình thi công, Công ty Nhật Hoàng đã cố ý san lấp lấn sang diện tích đất nhà bà.
Ông Bùi Thanh Danh (trái) trình bày sự việc với phóng viên
“Ngày 29-6-2017, tôi có làm đơn yêu cầu ngăn chặn tại UBND P.Trường Thạnh, Q9. Ngày 4-7- 2017, tại UBND P.Trường Thạnh có lập biên bản làm việc yêu cầu hai bên tự thỏa thuận với nhau, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên tiến hành thi công khi chưa đạt được thỏa thuận”, bà Trọng bức xúc.
Theo Công văn số 8837/ TNMT-QLBĐ ký ngày 3-12-2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, phần đất bị chồng lấn là phần đất sót thửa (805) thuộc quyền sử dụng của bà Trọng (phần đất này bà Trọng đã canh tác từ trước năm 1975).
Dự án Khu nhà ở tại đường số 4, KP.Ích Thạnh, P.Trường Thạnh, Q9 của Công ty Nhật Hoàng được UBND Q9 cấp Quyết định số 445/QĐ-UBND ký ngày 26-12-2013. Điều đáng nói là dự án này có một phần chồng lên thửa 805 của bà Trọng.
Khi bà Trọng chạy ngược xuôi gửi đơn kiện cáo việc đất của mình bị dự án chồng lấn thì đến ngày 9-3-2018, Công ty Nhật Hoàng cho người xuống nhổ bỏ và đập phá các cột bê-tông hàng rào ranh giới đất của bà Trọng.
“Thấy họ phá rào, tôi ra ngăn cản thì nhiều đối tượng kéo ra đe dọa tôi. Thấy tình thế nguy bách, tôi báo cho UBND P.Trường Thạnh, Q9 và Công an phường tới lập biên bản. Tuy nhiên, khi công an và cán bộ phường rút về thì họ lại đập phá hàng rào tiếp tục thi công”, ông Bùi Thanh Danh, con trai bà Trọng cho biết.
CƠ QUAN CHỨC NĂNG Ở ĐÂU?
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực đất chồng lấn này để xác minh. Lọm khọm chống gậy dẫn tôi ra khu vực đất bị chiếm, gương mặt nhăn nheo của bà Trọng căng ra: “Không thể nào chấp nhận được, họ chưa đền bù cho tôi đồng nào mà chiếm hẳn đất rồi thi công luôn. Làm như vậy khác nào đi ăn cướp”.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực đất của bà Trọng khoảng 816,1m2 hiện đã bị san bằng. Một hàng rào thép gai đã được dựng lên ngăn cách hẳn phần đất này với nhà của bà Trọng nằm cận kề. Trên phần diện tích lấn chiếm này hiện đã được đào móng, đổ cột bê-tông kiên cố. Phần đất gần hàng rào bà Trọng bị phá, nay đã được làm đường đổ bê-tông nhựa. Nếu không nắm rõ ngọn nguồn, không ai có thể xác định được phần đất này là thuộc dự án hay thuộc quyền sử dụng của bà Trọng.
Ông Bùi Thanh Danh - con trai bà Trọng bên phần đất của mẹ mình hiện đã đổ móng thi công nhà ở
Dù chưa đền bù nhưng chủ đầu tư đã phá cây trồng, hàng rào và thi công trên phần đất của bà Trọng
Bà Trọng đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, Viện Kiểm sát nhân dân quận 9 về các hành vi của Công ty Nhật Hoàng. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM và Viện Kiểm sát nhân dân quận 9 ra thông báo đã chuyển đơn cho Cơ quan CSĐT CAQ9 giải quyết.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT CAQ9 đã làm phiếu hướng dẫn ngày 16-3-2018, chuyển sự việc này sang tranh chấp dân sự. Hiện bà Trọng tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan CSĐT CAQ9.
“Thấy đơn thư cứ đi lòng vòng, ngày 9-4-2018, tôi làm đơn khiếu nại về việc cấp phép lấn chiếm trên phần đất của tôi đến UBND TP.Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Trọng cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Khanh, cán bộ pháp chế Phòng Tài nguyên và Môi trường Q9 cho biết: “Đúng là phần đất này bà Trọng đã canh tác cây trồng lâu năm và nằm trong ranh giao đất. Chúng tôi đã từng mời Công ty Nhật Hoàng và người đại diện của bà Trọng gặp nhau để thỏa thuận giá đền bù, nhưng không thành. Hiện vụ việc đang được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tiếp nhận xử lý”.