Thái Nguyên:

Khai thác đất tàn phá đồi núi ngày đêm khiến người dân bức xúc

Thứ Bảy, 05/11/2022 13:51  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Nhiều quả đồi ngày đêm bị múc sâu công khai lấy đất bán tạo cảnh tượng nham nhở khiến các hộ dân sinh sống khu vực quanh bức xúc, nơm nớp lo sợ.

Đó là tình trạng xảy ra tại các thôn Ao Sen, Vạn Phú, Nhội, Động 2, xóm Đặt, Cầu Dài..., xã Thành Công, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Cảnh "móc ruột" đồi núi tại xã Thành Công.

Phản ánh tới CAO, người dân nơi đây bức xúc trước tình trạng tàn phá tài nguyên của diễn ra công khai cả ngày đêm. 

Đặc biệt là tình trạng các xe tải chở đất tung tác khắp làng quê, gây hư hỏng đường giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ TNGT.

Cảnh núi đồi bị đục khoét diễn ra ở thôn Ao Sen, xã Thành Công.

Theo phản ánh của người dân địa phương, đồi núi bị “xẻ thịt” lấy đất đem bán diễn ra kéo dài, từ một vùng đất xanh nay nham nhở như đại công trường, đe dọa đến cuộc sống của người dân, nhất là mỗi khi có mưa bão.

Đến xã Thành Công vào những ngày cuối tháng 10-2022, lẩn khuất sau những nhà dân và những đồi cây là tiếng máy múc gầm rú bên các "đại công trường" khai thác đất.

Người dân địa phương bức xúc, lo lắng bởi núi đồi bị tàn phá, múc sâu sẽ tác động đến địa hình, đời sống của họ mỗi khi có mưa bão.

Các hoạt động múc, cày xới đất diễn ra công khai cả ngày và đêm. Những chiếc xe nối đuôi nhau vào lấy đất xong chạy vun vút trên những tuyến đường quê bụi bay mù trời.

Tại thôn Ao Sen, chúng tôi ghi nhận các máy múc hoạt động rầm rộ, múc sâu vào sườn đồi để lấy đất. Sau đó, đất được đưa lên những chiếc xe tải đang chờ sẵn rồi nuối đuôi nhau chở theo tuyến đường liên tỉnh để sang địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Cảnh núi cả một quả đồi bị "cạo trọc" tại Động 2.

Trong quá trình xe chạy, đất trên thùng không được che chắn kỹ, bụi bặm rơi vãi, bay mù mịt tới đó, làm ảnh hưởng đến cuộc sống khu dân cư và người tham gia giao thông.

“Đất sau khi được múc lên, nếu bán cho người trong xã thì khoảng 300 nghìn đồng/xe, còn mang ra khỏi địa bàn, bán nơi khác thì khoảng 500-600 nghìn đồng/xe”, một người dân địa phương phản ánh với phóng viên.

Hình ảnh đồi núi bị tàn phá cùng những chuyến vận chuyển đất đi bán ngược xuôi tại xã Thành Công. 

Tại thôn Ao Sen có 2 mỏ đất rất lớn, luôn có 1 máy xúc và khoảng 4 xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau vào “ăn đất”. Các xe này lấy đất tại mỏ sau đó chở sang địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cứ khoảng 30 phút lại có xe vào “ăn đất” 1 lần.

Tại thôn Vạn Phú cũng có 2 mỏ đất khá rộng. Tại thôn Nhội cũng có 1 mỏ. Riêng thôn Động 1 và Động 2 của xã Thành Công có 3 quả đồi rộng bị "cạo trọc".

Trong đó, một quả đồi với diện tích nhiều ha, trước đây vốn được phủ cây xanh nhưng nay đã và đang bị hủy hoại đất làm biến dạng địa hình.

Đáng nói, khu đất này nằm thọt lỏm, khuất sau những ngọn đồi khác. Tại hiện trường nhiều đống vật liệu xây dựng đã được tập kết, chất đống giống như chuẩn bị cho hoạt động xây dựng, sau khi quả đồi này được san lấp mặt bằng.

Tại xóm Đặt, phóng viên cũng ghi nhận có 1 mỏ đất tương đối lớn, tại đây đất đồi cũng bị "cạo trọc" với diện tích trải rộng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ghi nhận tại địa bàn xã Thành Công, PV còn phát hiện có tình trạng san lấp suối để lấn đất. Cụ thể, tại xóm Cầu Dài một đoạn suối dài hơn 100m với chiều rộng khoảng vài chục mét đang bị đổ đất lấn ra.

Người dân địa phương cho biết, việc lấp đất này do một  gia đình thực hiện, nhưng nay chưa được xử lý trả lại hiện trạng. Bởi việc lấp suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mùa mưa lũ xảy ra.

 Ông Dương Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết ở xã chưa có mỏ đất nào được cấp phép hoạt động.

Một cán bộ thôn thuộc xã Thành Công cho biết, tình trạng “xẻ đồi” bán đất tràn lan, san gạt đất nông nghiệp trở thành vấn nạn nhức nhối trên địa bàn xã và diễn ra từ lâu, nhưng chưa được quy hoạch, xử lý phù hợp.

Ông Dương Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Thành Công, sau khi xem những hình ảnh, video cảnh máy múc, xe tải múc và chở đất do PV cung cấp, ông thừa nhận do lực lượng mỏng không kiểm tra hết và cho biết tại xã chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác như phóng viên ghi nhận.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao tình trạng đồi núi bị "xẻ thịt" diễn ra công khai, máy móc hoạt động rầm rộ mà xã lại không nắm bắt kịp thời để kiểm tra, xử lý khiến người dân bức xúc phản ánh, ông Hùng nói rằng do đường xuống các thôn xa và lực lượng của xã mỏng, và sẽ cho lực lượng chức năng kiểm tra ngay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang