Khổ vì mua nhà đang cho thuê

Thứ Năm, 19/12/2019 09:49

|

(CATP) Bỏ tiền ra mua nhà theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng, chủ mới vẫn không được vào nhà đã mua vì dính tới việc... chủ cũ cho một công ty khác thuê mặt bằng.

NHÀ MÌNH NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC VÀO

Theo trình bày của khổ chủ, ngày 27-9-2018, bà Đỗ Thị Ngọc Mai (ngụ An Giang) ký hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất nhà số 705 Hồng Bàng (P6Q6) với ông La Quốc Tuấn (ngụ Tây Ninh), tại Văn phòng công chứng (VPCC) Mai Việt Cường (Q10). Mặc dù, bà Mai đã trả đủ tiền mua nhà cho ông Tuấn nhưng sau hơn một năm người mua vẫn chưa nhận được nhà.

Trước đó, ngày 16-5-2017, chủ cũ là ông La Quốc Tuấn ký với Công ty TNHH công nghiệp thương mại Liên Hiệp Thành (Công ty LHT) hợp đồng thuê căn nhà này thời hạn bảy năm. Ngày 30-5-2017, hợp đồng (HĐ) này được sửa đổi, tăng thời hạn thuê thành 10 năm. HĐ được công chứng tại VPCC Tân Phú.

Vin vào HĐ thuê nhà, Công ty LHT không chịu giao trả nhà cho bà Mai, đồng thời yêu cầu ông Tuấn và bà Mai tiếp tục thực hiện vì công ty đã đầu tư, sửa chữa nhà và trong HĐ có cam kết, khi ông Tuấn bán nhà, vẫn đảm bảo cho Công ty LHT được tiếp tục thuê nhà.

Bà Mai bức xúc: “Tôi là người mua nhà, nhà đã chuyển sang tên tôi, được Nhà nước công nhận. Do ông Tuấn có cam kết đã thông báo bán nhà cho Công ty LHT nhưng bị ép giá nên không bán, ông Tuấn cũng cam kết đã thanh lý HĐ thuê rồi và hứa sẽ bàn giao nhà khi tôi chuyển tiền đủ. Tin lời, tôi chuyển đủ tiền. Vậy mà, suốt thời gian qua, tôi không được vào ngôi nhà của mình. Trong khi đó, tiền thuê nhà thì Công ty LHT vẫn cứ chuyển cho ông Tuấn”.

Trước áp lực đòi nhà của bà Mai, Công ty LHT đã khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại đến TAND Q6, yêu cầu ông Tuấn và bà Mai tiếp tục thực hiện HĐ thuê nhà. Ngày 4-12-2018, TAND Q6 đã thụ lý vụ án. Bà Mai xót xa: “Tôi đã sai khi mua nhà mà không tìm hiểu kỹ trước khi mua, nên một năm qua phải ngậm ngùi nhìn nhà mình bị người khác chiếm giữ, lại còn vướng vào kiện tụng...”.

Gần cả năm sau khi thụ lý, ngày 11-10-2019, TAND Q6 đã có quyết định số 19 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, bà Mai có trách nhiệm thanh toán cho Công ty LHT số tiền 520 triệu đồng; ông Tuấn có trách nhiệm thanh toán cho Công ty LHT số tiền 300 triệu đồng và Công ty LHT có trách nhiệm bàn giao nhà cho bà Mai.

Ngày 11-11-2019, bà Mai nộp 520 triệu đồng cho Chi cục THADS quận 6 (THA Q6) theo quyết định thi hành án số 77 (ngày 25-10-2019) để được nhận nhà. Thế nhưng, ngày 28-11 THA Q.6 cùng đại diện bà Mai đến nhà 705 Hồng Bàng để yêu cầu Công ty LHT giao nhà nhưng đơn vị đang thuê nhà không giao vì cho rằng, tại tòa, các đương sự đã thống nhất là bà Mai và ông Tuấn trả 820 triệu cho Công ty LHT. Sau đó, công ty này sẽ trả nhà cho bà Mai. Nhưng đến nay, chỉ có bà Mai trả tiền, ông Tuấn chưa trả.

 

Căn nhà 705 Hồng Bàng (Q.6)

CÁCH GIẢI THÍCH KHÓ HIỂU

Sau đó, THA Q6 có văn bản yêu cầu TAND Q6 giải thích quyết định thi hành án số 77 mà tòa Q.6 chuyển sang cơ quan thi hành án đồng cấp. Bất ngờ, tại công văn số 799/TAQ6 (ngày 11-12-2019), thẩm phán Nguyễn Hồng Nam đã giải thích quyết định như sau: “Căn cứ vào sự thỏa thuận của các đương sự, Hội đồng xét xử đã ban hành quyết định số 19 (ngày 11-10-2019) có nội dung:

Bà Mai có trách nhiệm thanh toán cho Công ty LHT số tiền 520 triệu đồng; ông Tuấn có trách nhiệm thanh toán cho LHT số tiền 300 triệu đồng; Công ty LHT có trách nhiệm bàn giao nhà cho bà Mai. Như vậy, ngay sau khi bà Mai thanh toán cho Công ty LHT số tiền 520 triệu đồng và ông Tuấn thanh toán cho Công ty LHT số tiền 300 triệu đồng thì Công ty LHT mới có nghĩa vụ bàn giao nhà 705 Hồng Bàng, P6Q6, TPHCM cho bà Mai” (!?).

Bà Mai bức xúc: “Thẩm phán Nam đã cố tình giải thích trái với nội dung của chính quyết định này, trái với sự thỏa thuận của các bên. Rõ ràng, căn cứ theo biên bản phiên tòa và cả nội dung quyết định, nghĩa vụ thi hành án của tôi và ông Tuấn và của Công ty LHT là riêng biệt, độc lập, không có sự ràng buộc thực hiện theo thứ tự trước sau.

Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng có sự thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ theo thứ tự trước sau giữa các bên, rằng “ngay sau khi” tôi và ông Tuấn trả đủ tiền “thì” Công ty LHT mới có nghĩa vụ giao nhà. Trong khi, toàn bộ nội dung quyết định số 19 đã ban hành hoàn toàn không có các từ “ngay sau khi” và “thì” hoặc bất cứ từ nào khác thể hiện việc các bên thỏa thuận về thứ tự thực hiện nghĩa vụ của mình. Với cách giải thích của thẩm phán như vậy không may ông Tuấn “biến mất” thì mãi mãi nhà của tôi không bao giờ được nhận lại?”.

Quá bức xúc, bà Mai đã làm đơn tố cáo thẩm phán Nam đến các cơ quan chức năng về hành vi giải thích quyết định một cách cẩu thả, tùy tiện. Đồng thời, bà Mai yêu cầu xem xét, thu hồi lại văn bản giải thích quyết định của thẩm phán Nam và đề nghị TAND Q6 giải thích lại quyết định theo đúng trình tự luật định, theo đúng sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án.

Sáng 18-12, trao đổi với PV, thẩm phán Nam nói: “Tôi đã giải quyết xong vụ kiện tụng tại căn nhà 705 Hồng Bàng (Q6). Việc giải quyết khiếu nại thẩm phán là quyền hạn của Chánh án TAND Q6. Trong vụ “Công ty LHT khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại”, nếu xét xử có bản án phát hành thì không có chuyện rắc rối như bây giờ khi hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự (theo quyết định số 19)”. Theo ông Nam, căn nhà số 705 Hồng Bàng đã được Công ty LHT dọn đi, khóa nhà trống, chỉ cần ông Tuấn (chủ nhà cũ) trả đủ tiền thì Công ty LHT sẽ giao nhà, chứ không có chống đối gì.

Vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 486, BLTTDS 2015: “Việc giải thích bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản nghị án. Việc sửa chữa bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại Điều 268 của bộ luật này”. Căn cứ nội dung vụ việc thì việc giải thích quyết định phải căn cứ vào biên bản phiên tòa sơ thẩm.

Như vậy, khi THA Q6 có công văn đề nghị giải thích nội dung quyết định thì thẩm phán phải căn cứ biên bản phiên tòa đã lập để thực hiện việc giải thích đúng quy định. Tuy nhiên, theo nội dung tại văn bản giải thích mới đây, đã trích dẫn và dựa vào chính nội dung của... quyết định số 19. Việc giải thích quyết định như vậy là trái quy định pháp luật - luật sư Nguyễn Thị Sinh (Đoàn luật sư TPHCM).

Bình luận (0)

Lên đầu trang