Viết tiếp bài “Nước mắt người mẹ và một bản án thiếu tình”:

Mệt mỏi chất chồng vì vụ kiện kéo dài

Thứ Tư, 11/12/2019 15:15

|

(CAO) Hôm diễn ra phiên tòa phúc thẩm, chị Trần Thanh Hải (SN 1974, ngụ P.1, Q.4, TPHCM) - bị đơn trong vụ án “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” không kìm được những giọt nước mắt uất nghẹn khiến những người tham dự đều thấy xót xa. Những tưởng chị sẽ nhận được cái kết có hậu, nhưng cuối cùng phiên tòa lại tiếp tục hoãn….

Báo Công an TPHCM ra ngày 10-9-2109 có đăng bài Nước mắt người mẹ và một bản án thiếu tìnhphản ánh những nỗi niềm bức xúc của bị đơn Trần Thanh Hải khi TAND Q.4 ra quyết định giao cô con gái 11 tuổi cho chồng đã ly hôn chăm sóc.

Chị Hải và ông Đặng Hanh Trung (SN 1959, chồng cũ của chị Hải) đã ly thân vào năm 2010. Chị Hải đưa hai con là: Đ.T.V.L. (SN 2005) và Đ.T.L.A. (SN 2008) vào Nam sinh sống.

Năm 2015, TAND quận Đống Đa, TP.Hà Nội đã công nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông Trung và chị. Vào thời điểm đó, ông Trung đồng ý giao hai con cho chị nuôi dưỡng.

Nhiều năm trôi qua, người mẹ ấy đã nỗ lực làm việc để nuôi dạy, chăm sóc các con trong môi trường rất tốt mà không cần bất cứ một đồng tiền trợ giúp nào từ ông Trung. Giữa năm 2019, ông Trung bất ngờ gửi đơn ra TAND Q.4, TP.HCM yêu cầu được thay đổi quyền nuôi hai con. Kể từ lúc đó, cuộc sống của mấy mẹ con chị hoàn toàn đảo lộn.

Chị Hải hạnh phúc bên hai con ngoan, học giỏi

Sau vài lần tạm hoãn, ngày 26-7-2019, TAND Q.4 do ông Nguyễn Hải Nam làm chủ tọa phiên tòa đã mở phiên xét xử sơ thẩm.

Tại tòa, những chứng cứ cũng như lý lẽ ông Trung đưa ra hoàn toàn mỏng và yếu nhưng cuối cùng, ông Nam cũng quyết định giao bé L.A. cho ông Trung chăm sóc. Lý do được thẩm phán Nam đưa ra là lo sợ chị Hải không đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho các con. Ngoài ra, việc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con lúc nhỏ, còn con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp của dân tộc được quy định tại khoản 2, Điều 70 Luật Hôn nhân gia đình.

Không riêng gì sự bức xúc của chị Hải trước phán quyết trên của thẩm phán Nguyễn Hải Nam, Viện KSND Q.4 còn đánh giá đây là bản án thiếu suy xét, thiếu tình, thiếu lý của TAND Q.4. Do vậy, họ đã kháng nghị lên TAND TP.HCM.

Trong lúc thẩm phán Nguyễn Hải Nam bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội “xâm phạm chỗ ở người khác” và dư luận nhắc lại việc ông này xét xử thiếu công tâm, thiếu tình người về vụ án dân sự của chị Hải trên trang mạng xã hội, thì ngày 26-11-2019, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử. Hai con chị Hải là bé V.L. và L.A. cũng được triệu tập để một lần nữa bày tỏ suy nghĩ và mong ước của mình trước khi phiên tòa diễn ra. Ông Trung và chị Hải vẫn bảo vệ quan điểm.

Có mặt tại phiên tòa hôm ấy, chị Hải lại khóc nghẹn ngào khi trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX). Kể từ lúc sinh các con ra, dù không thể cho con một mái ấm gia đình có đầy đủ bố mẹ nhưng chị Hải chưa bao giờ rời xa các con. Những ngày tháng vất vả nhất khi làm mẹ đơn thân đã qua, giờ đây mấy mẹ con đang có một cuộc sống đủ đầy trong một căn hộ khang trang tại Q.4.

Chị cũng chưa dám nghĩ đến có ngày con phải xa mẹ để về ở với cha trong một môi trường lạ lẫm. Nỗi đau khi để các con phải ra tòa, chứng kiến cuộc tranh giành giữa bố và mẹ khiến chị đớn đau vô cùng.

Tại tòa, những lập luận của hai vị thẩm phán đã khiến những người có mặt hôm ấy như “thấm tận vào tâm can”. Làm bố, làm mẹ thì phải biết hi sinh cho con cái, phải biết những điều gì là tốt đẹp nhất cho các con, ông Trung giờ lại muốn con phải xa mẹ, em xa chị khi chúng chưa đủ tuổi trưởng thành; điều đáng nói đây là hai bé gái đang ở độ tuổi dậy thì rất cần được mẹ bảo ban, dạy dỗ.

Hơn nữa, những lá thư tay với nét chữ đẹp đầy xúc động của V.L. và L.A. đều bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục sống cùng mẹ và bản thành tích học tập đáng nể của hai bé (đều đứng trong top đầu môn Toán và môn tiếng Anh tại một trường quốc tế danh tiếng) thật sự đã minh chứng cho quá trình tận tụy dạy dỗ chăm sóc các con của chị Hải. Giờ, phải tách 1 trong 2 bé để ra Hà Nội sống với người bố liệu rằng có “hợp lý, hợp tình”?

Phiên tòa diễn ra khiến chúng tôi nhẹ lòng, nhưng cuối cùng HĐXX không tuyên án mà dời ngày xử án vào hai hôm sau. Tuy nhiên, đúng ngày thì chị Hải lại tiếp tục nhận được thông báo hoãn phiên tòa để bên nguyên đơn tiếp tục bổ sung chứng cứ.

Chị Hải gởi cho chúng tôi thêm một lá đơn rất dài vì sự trì hoãn của phiên tòa sẽ càng khiến cho những người trong cuộc mệt mỏi. Là một người mẹ, chị cũng không muốn tiếp tục tạo thêm áp lực cho các con khi phải bị Tòa liên tục triệu tập.

Phiên phúc thẩm, chúng tôi cũng tham dự từ đầu đến cuối. Và với những gì đã diễn ra, chúng tôi đã nghĩ đến một phán xét công tâm nhất cho các con của chị Hải và cho người mẹ đã làm hết thảy những gì có thể cho con, nhưng không hiểu sao, phiên tòa vẫn tạm ngưng.

Tòa cần thêm chứng cứ gì và chứng cứ đó có đủ thay thế cho những giọt mồ hôi và cả nước mắt của người mẹ trong suốt bao nhiêu năm qua nuôi dạy các con khôn lớn hay không? Chứng cứ đó có làm cuộc đời của một đứa trẻ đang độ tuổi dậy thì bình yên hay không?...

Nước mắt người mẹ và một bản án “thiếu tình”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang