Bảo hiểm xã hội “đòi” lại quyền lợi cho hàng trăm ngàn lao động

Thứ Tư, 11/12/2019 14:55  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Việc thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã “đòi” lại quyền lợi cho hàng trăm ngàn người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước.

Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác thanh tra vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn, BHXH đưa ra một số giải pháp kiện toàn chính sách và tổ chức bộ máy thực hiện thanh tra ngành BHXH.

THANH TRA HƠN 20 NGÀN ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn; theo đó, số người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT tăng nhanh qua các năm.

Từ ngày 1-1-2016, cơ quan BHXH được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng BHXH, BHTN, BHYT theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20-11-2014 và Nghị định số 21/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ nên công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH ngày càng được quan tâm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ thực tế đó, BHXH Việt Nam đã “đòi” lại quyền lợi cho hàng trăm ngàn người lao động. Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên nghành (TTCN) về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 20.202 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ).

Kết quả của việc thanh tra chuyên ngành đạt được những kết quả như sau: Về đối tượng đóng: Đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho 161.268 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian; số tiền yêu cầu truy thu đóng là 353.944 triệu đồng.

Về mức đóng: Đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục truy thu đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 155.058 lao động do đóng thiếu mức tiền lương quy định, số tiền yêu cầu truy thu đóng là 157.401 triệu đồng.

Về phương thức đóng: Số tiền các đơn vị nợ trước khi có Quyết định TTKT là 8.532.525 triệu đồng, số tiền đơn vị đã nộp là 3.583.144 triệu đồng (đạt tỷ lệ 42%). Về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC): Đã ban hành 2.028 Quyết định xử phạt VPHC, với số tiền xử phạt VPHC phải thu là 75.359 triệu đồng.

Công tác TTCN đã đòi lại quyền lợi cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, việc thanh tra vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn.

Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành BHXH đã chủ trì, phối hợp thực hiện kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 56.449 đơn vị (trong đó: nội bộ ngành kiểm tra tại 36.456 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 19.993 đơn vị).

Kết quả như sau: Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH: Đã phát hiện nhiều sai sót, hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 36.615 triệu đồng. Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT: Phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh không đúng quy định; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 679.289 triệu đồng.

MUÔN VÀN KHÓ KHĂN CỦA VIỆC THANH TRA

Tổ chức BHXH có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị SDLĐ và các cơ sở KCB BHYT nên đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc tổ chức thực hiện các quy định của chính sách pháp luật về BHXH, BHYT.

Từ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN bị xâm hại không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời nên hàng năm có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT kịp thời; mức độ vi phạm không chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính mà trong một số trường hợp đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT thì Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng TTCN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; thanh tra y tế thực hiện chức năng TTCN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và thanh tra tài chính thực hiện chức năng TTCN về quản lý tài chính BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, số lượng các đơn vị SDLĐ, cơ sở khám chữa bệnh quá lớn, lực lượng thanh tra của các ngành này còn mỏng nên việc thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn rất hạn chế về số cuộc, số đơn vị được thanh tra và không kịp thời.

Việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở mức độ phát hiện sai sót, kiến nghị thu hồi và kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật, còn kết luận sau kiểm tra của cơ quan BHXH không được các đơn vị thực hiện nghiêm túc chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ SDLĐ và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động thực hiện chế độ, chính sách của cơ quan BHXH;

Từ những thực tiễn khó khăn, BHXH đã đưa ra một số giải pháp kiện toàn chính sách và tổ chức bộ máy thực hiện thanh tra ngành BHXH. Trong đó có việc đề xuất, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ; kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, bao gồm thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay.

Đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về BHYT, thanh tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện hợp đồng KCB BHYT. Đề nghị bổ sung thẩm quyền của cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chi trả chế độ BHTN; bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp….

Để việc thanh tra chuyên ngành hiệu quả, BHXH Việt Nam đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTCN. Trong đó, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về TTCN; bổ sung quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đề nghị bổ sung thẩm quyền của tổ chức BHXH xử phạt các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN và BHYT và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC khi đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt; bổ sung quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế theo hướng giao cho lực lượng TTCN của tổ chức BHXH có thẩm quyền trong việc xử phạt VPHC….

Bình luận (0)

Lên đầu trang