Chung tay đẩy lùi tình trạng đề kháng kháng sinh

Thứ Tư, 11/12/2019 10:30  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng đề kháng kháng sinh đang gia tăng rộng rãi ở các nước, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Dự kiến đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm, có nghĩa là cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc.

Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.

Các bệnh truyền nhiễm phổ biến như viêm phổi, lao, bệnh lậu, và nhiễm trùng máu đang trở nên khó điều trị hơn vì kháng sinh ngày càng kém hiệu quả. Thậm chí cả một số kháng sinh thuộc nhóm “lựa chọn cuối cùng” cũng đang mất dần hiệu lực.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết: “Có nhiều lý do làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh, trong đó nổi bật là việc sử dụng kháng sinh kém chất lượng, người bệnh mong muốn chữa bệnh nhanh chóng như tự mua thuốc uống không qua kê đơn của bác sĩ và không hoàn tất liệu trình điều trị bằng kháng sinh.

Việc sử dụng kháng sinh sai cách đã tiêu diệt những vi khuẩn có lợi cho cơ thể, giúp những vi khuẩn có khả năng kháng thuốc nhân rộng và lan truyền khả năng kháng kháng sinh sang những vi khuẩn khác, thúc đẩy sự phát triển tình trạng kháng thuốc”.

Dự kiến đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm, có nghĩa là cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh minh họa

Để đẩy lùi tình trạng trên, từ ngày 23-11 đến 19-12, Hội Hô hấp TP.HCM, Hội Tai Mũi Họng Nhi TP.HCM, Hội Vi Sinh lâm sàng TP.HCM và GSK, cùng hưởng ứng tuần lễ Thế giới nhận thức về đề kháng kháng sinh kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về đề kháng kháng sinh, thông qua một chuỗi hoạt động kêu gọi sự chung tay và đồng lòng của khối bác sĩ, dược sĩ và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh hợp lý.

Tại chuỗi sự kiện, các chuyên gia cũng đã bàn về các chiến lược nhằm chống lại tình trạng đề kháng kháng sinh, trong đó quan trọng nhất là việc thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc lựa chọn và điều trị bằng kháng sinh, đồng thời tuyệt đối không cho người khác dùng chung kháng sinh hoặc tận dụng kháng sinh còn thừa.

“Muốn khỏi bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn kê đơn của bác sĩ và cần hoàn tất liệu trình điều trị kháng sinh. Không có lối tắt nào để nhanh hết bệnh và kháng sinh cần được sử dụng đúng loại, đúng liều và đủ thời gian”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Nhi TP.HCM nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải tại cộng đồng là nhóm bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, như nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang) hay nhiễm trùng hô hấp dưới đặc biệt là viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong thực hành lâm sàng, bác sĩ kê toa kháng sinh theo kinh nghiệm hoặc các hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân nhiễm khuẩn cộng đồng.

Tại Việt Nam hiện còn thiếu các dữ liệu giám sát đề kháng kháng sinh tại cộng đồng giúp định hướng dùng kháng sinh đúng, dẫn tới thực trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng kháng sinh thế hệ mới và kháng sinh phổ rộng gây ra tình trạng gia tăng đề kháng kháng sinh.

TS.BS Phạm Hùng Vân, Chủ Tịch Hội Vi Sinh Lâm Sàng TP.HCM cho biết: “Việc sử dụng kháng sinh đúng cách, hợp lý phụ thuộc phần lớn vào việc tìm ra tác nhân gây bệnh, từ đó mới quyết định có cần thiết để sử dụng kháng sinh hay không".

Theo khảo sát của WHO năm 2015 tại Việt Nam, 74% đáp viên đồng ý rằng “Đề kháng kháng sinh là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt”.

Đề kháng kháng sinh đang tăng lên mức nguy hiểm ở tất cả các quốc gia. Các chuyên gia y tế kêu gọi, mỗi người đều có trách nhiệm nâng cao nhận thức và hành động cụ thể để chống lại đề kháng kháng sinh. Tuân thủ điều trị và chủ động phòng ngừa bệnh tật bằng vắc-xin sẽ góp phần giảm thiểu đề kháng kháng sinh.

Việt Nam có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao hàng đầu Châu Á
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang