Mua thuốc kháng sinh ở Việt Nam dễ như mua kẹo, hậu quả khó lường

Thứ Sáu, 18/11/2016 00:54  | Ngô Đồng

|

(CAO) Tình hình kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay ra bất kỳ hiệu thuốc nào, người dân đều có thể dễ dàng mua được thuốc kháng sinh mà không cần đơn bác sĩ, thậm chí có thể mua được thuốc kháng sinh ở tiệm tạp hóa.

Người bệnh tự chẩn bệnh và mua thuốc

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám Bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, hiện nay nhiều người Việt có thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi, trong đó có các bà mẹ. Thậm chí có người còn tự chẩn đoán và điều trị bệnh của mình bằng cách yêu cầu nhân viên nhà thuốc bán thuốc: hạ sốt, viêm họng, sổ mũi, đau dạ dày,…

"Thay vì đến gặp bác sĩ, nhiều người có thói quen tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh trị bệnh để tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Kiểu như: 'Cho tôi 2 ngày uống trị đau dạ dày', '3 lần thuốc ho',... Nhiều bà mẹ còn nhớ luôn tên các loại kháng sinh và ra nhà thuốc mua luôn, bảo: 'Con tôi chỉ hợp với loại này, loại này,...", BS Hoàng chia sẻ.

Theo nghiên cứu cho thấy, có đến 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn.

Theo nghiên cứu cho thấy, có đến 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn. Ảnh minh họa

BS Hoàng cho biết thêm: "Thực tế thăm khám nhi đồng còn cho thấy nhiều phụ huynh có thói quen dùng lại toa thuốc cũ. Hoặc khi con bệnh, con sốt thì nhắn tin hỏi bạn bè hoặc nhân viên y tế quen: 'Con mình bị sốt như vầy, thì uống cái gì...".

TS BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM nhận định: "Thậm chí người ta còn có thể mua kháng sinh ở các tiệm bán tạp hóa".

Theo BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám Bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, không chỉ người dân dùng kháng sinh một cách tùy tiện mà ngay cả tại các cơ sở y tế, việc sử dụng kháng sinh cũng chưa được giám sát chặt chẽ, nhân viên y tế còn có thói quen kê kháng sinh theo kinh nghiệm.

"Các toa thuốc thường có kháng sinh như sốt, ho, tiêu chảy,... Một số nhân viên y tế cũng ít cập nhật, ít hiểu biết về kháng thuốc (cefixim, cefpodoxime,...)", BS Hoàng chia sẻ.

TS DS Huỳnh Hiền Trung cũng phân tích, hiện nay nhiều cơ sở y tế vẫn còn nhiều sai lầm thường gặp khi sử dụng kháng sinh điều trị bệnh nhiễm khuẩn nặng. Phổ biến nhất là tình trạng không thực hiện phân tầng người bệnh để chọn kháng sinh phù hợp. Điều này dẫn đến hệ quả là dùng kháng sinh khong hợp lý. Ngoài ra, còn có những sai lầm khác như: Không làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng kháng sinh; Không thực hiện chiến lược xuống thang;...

Vô phương cứu chữa vì lạm dụng kháng sinh

Nhiều người Việt Nam “cải biên” liều dùng kháng sinh bằng đủ các kiểu: thêm, bớt hoặc “tái sử dụng”… Tất cả dẫn đến những hậu quả khôn lường mà con số thông kê của WHO đã nói lên tất cả: Việt Nam có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao hàng đầu thế giới.

TS DS Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa dược BV Nhân dân 115 cho biết, tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện của người Việt làm tăng tỷ lệ kháng thuốc, tăng chi phí điều trị và tăng nguy cơ tử vong.

Bí thư Thành ủy TP.HCM lắng nghe GS Trần Đông A 'hiến kế' giảm tải bệnh viện
 

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, vi khuẩn trên toàn cầu ngày càng có sức đề kháng, sử dụng kháng sinh không thích hợp cộng với tình trạng không có nhiều thuốc kháng sinh mới ra đời khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng.

BS Thảo cũng cảnh báo: Bên cạnh việc nhiễm khuẩn bệnh viện, vấn đề đáng lo ngại khiến kháng thuốc lan rộng với tốc độ cao là tình trạng kháng sinh sử dụng khó kiểm soát trong nông nghiệp, chăn nuôi. Khi tiêu thụ các thực phẩm này hàng ngày, người dân đối mặt với nguy cơ kháng thuốc mà không hề hay biết.

"Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự ra đời của thuốc mới, các bệnh viện hiện đang đẩy mạnh thực hiện chương trình giám sát sử dụng kháng sinh, phân tầng người bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện dùng thuốc", BS Thảo chia sẻ.

Người dân chỉ nên mua kháng sinh khi có toa của bác sĩ. Ảnh: NĐ

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Uống tùy tiện kháng sinh để trị bệnh sẽ sinh ra hiện tượng kháng thuốc, không những không hết bệnh mà còn làm tình trạng bệnh nặng thêm, việc chẩn đoán của bác sĩ sẽ gặp khó khăn do các triệu chứng bệnh không rõ ràng,...

Ngoài ra, việc sử dụng tùy tiện thuốc kháng sinh còn gây ra nhiều tác dụng phụ: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, sình bụng), lở loét thực quản và ảnh hưởng xấu đến hệ men vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Thậm chí nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm đại tràng mãn tính, suy gan, suy thận, viêm gan cấp hoặc viêm thận cấp.

Dấu hiệu lạm dụng kháng sinh là dị ứng (dân gian gọi là sốc thuốc). Người bệnh sẽ bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy trên da, khò khè khó thở, tụt huyết áp.

Lạm dụng kháng sinh còn gây độc cho xương tủy dẫn đến thiếu máu mãn tính không hồi phục được, gây độc cho dây thần kinh làm tê liệt các chi và ảnh hưởng tới thần kinh thị giác gây mờ hoặc mù mắt. Trong trường hợp xấu nhất, sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh nhân hoàn toàn không nên tự mua kháng sinh để sử dụng tại nhà, các cửa hàng bán thuốc cũng không được bán kháng sinh khi không có đơn kê của bác sĩ. Trong trường hợp xấu xảy ra tác dụng phụ do kháng sinh, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tuyệt đối không được tiếp tục tự điều trị tại nhà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang