(CAO) Để cứu cây cam sành đang nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, hàng trăm nhà vườn ở Hậu Giang đã “truyền nước biển” cho cây bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, thậm chí là thuê mướn với giá cao.
(CAO) Đó là chia sẻ của anh Phan Văn Trường (44 tuổi, trú Quế Sơn, Quảng Nam) tại buổi tri ân người hiến thận được Bệnh viện đa khoa (BV) Đà Nẵng tổ chức vào sáng 28-6. Anh Trường đã hiến thận ghép cho chị ruột mình là Phan Thị Nguyệt (52 tuổi).
Nông dân đua nhau làm…“bác sĩ”
Nhiều năm nay, bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ khiến nhà vườn ở Hậu Giang và các tỉnh miền Tây đau đầu vì đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Gần đây, họ dùng thuốc kháng sinh chích cho cam sành thì thấy cây trở nên xanh tốt, trái sai và bóng đẹp rồi mọi người chỉ nhau áp dụng.
Có mặt tại một vườn cam rộng 50 công ở ấp Đông Thạnh (xã Đông Phước, H.Châu Thành) đang áp dụng phương pháp chích kháng sinh, chúng tôi thấy 3 người đàn ông đang lúi húi khoan vào gốc cam một lỗ sâu khoảng 2cm, cách mặt đất khoảng 10cm, sau đó họ dùng ống chích rút dung dịch trong xô rồi lấy một đoạn ruột xe dài hơn 20cm có đục lỗ ở 2 đầu mắc vào ống chích và đặt ống thuốc vào vị trí đã khoan.
Chích thuốc kháng sinh của người cho cam sành
Anh Xuyên, một lao động tại đây cho biết: “Chúng tôi chỉ là người làm công với việc khoan, chích 40cc thuốc vào gốc cam rồi cứ 2-3 ngày thì đi thâu dây bơm lại. Còn đối với những cây hấp thụ thuốc nhanh thì tiến hành thu ống và dùng vôi bột trét lại để tránh nước thấm vào. Vị trí cần khoan là một bên gốc cây để tránh tình trạng tét lõi. Mỗi ngày một lao động vừa khoan, vô thuốc được 250-300 cây và được trả 200 ngàn đồng tiền công”.
“Tổng chi phí để chích mỗi gốc cam là 6.000 đồng. Khoản này để mua 1-1,5 viên Tetracyclin (tùy cam lớn nhỏ) pha với nước biển (nước truyền cho người), 1 ống tiêm. Việc tiêm thuốc kháng sinh không chỉ diễn ra ở vườn anh mà đã được 80% nhà vườn ở xã Đông Phước và Tân Thành (TX.Ngã Bảy) áp dụng”, Anh Châu Thanh Đấu, chủ khu vườn trên cho biết thêm.
Việc chích cam sành đang được người dân thực hiện rầm rộ
Theo tìm hiểu, ngoài những loại thuốc dễ tìm thì nhiều nhà vườn còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần. Nhờ sử dụng “thần dược” mà cứu được 8 công cam của gia đình, anh T. (ngụ ấp Mái Dầm, xã Đại Thành) nói: “Lúc đầu, vườn cam 2.150 cây bị bệnh vàng lá, thối rễ mà sử dụng biết bao loại phân, thuốc cũng không hết. Đến khi nghe mọi người nói về cách chích thuốc trực tiếp nên tôi gửi tiền ông bạn mua giúp và sử dụng cho khu vườn nào ngờ vườn cây trở nên xanh tốt và cho thu nhập trên 300 triệu đồng”.
Thấy vậy chúng tôi hỏi đó là thuốc gì, mua ở đâu thì được anh T. trả lời: “Thuốc mua ở đâu, tên gì thì hỏi họ chẳng chịu nói, bởi nhờ người quen mua dùm. Thuốc này có dạng gói, trong lượng mỗi gói là 60gram pha với nước biển hoặc suối chích cho 12 cây, chi phí mỗi cây là 17 ngàn đồng. Còn nếu thuê thì giá lên đến 22-30 ngàn đồng/cây. Với phương pháp này chỉ quyết định được 30% hiệu quả còn lại dựa vào kỹ thuật chăm sóc từng người”.
Nghiêm cấm do phản khoa học
Ngoài việc chích thì các “bác sĩ” còn “truyền nước biển” cho cam bằng thuốc Tetracyclin pha với một số chất trung vi lượng thông qua bình xịt kiểng, giá 11 - 15 ngàn đồng/cây. Thời gian truyền khoảng 15 phút nhưng có khi mất đến vài ngày do phụ thuộc vào độ ẩm và thời tiết.
Bằng cách làm này họ cam kết với chủ vườn cây sẽ phục hồi 100% và nếu không đạt sẽ hoàn tiền. Không chỉ vậy, đội ngũ này còn đi mua các vườn cam bị bệnh với giá rẻ để tự phục hồi.
Đánh giá về việc chích, bơm thuốc tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tiếu (71 tuổi, ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Phước) phân tích: “Thực tế việc chích thuốc không hiệu quả mấy, bởi mấy đứa cháu thằng nào cũng mấy chục công làm rồi nhưng sắp đốn bỏ. Vườn cam bên lộ làm cách nay mấy tháng có xanh thiệt nhưng chẳng trái nhiêu, thấy vậy 4 công cam này đốn bỏ trồng lại cây khác cho chắc ăn”.
Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành - cho biết: “Việc chích cây diễn ra lén lút nên khó bị phát hiện. Toàn xã có 18 hộ làm, với diện tích 7ha, khi phát hiện địa phương có mời đến tuyên truyền bởi thuốc sử dụng không rõ nguồn gốc hoặc người tiêm mướn là người lạ đến làm cũng như về lâu dài có thể ảnh hưởng đến loài cây đặc sản này”.
Chích mỗi gốc cam nhà vườn bỏ ra chi phí từ 6 – 30 ngàn đồng
Theo lời bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành, toàn huyện có 3.800ha trồng cam sành. Trong đó diện tích nhiễm bệnh vàng lá gân xanh khoảng 670ha nhưng có đến 112,7ha được 65 nhà vườn chích thuốc. Việc chích thuốc xuất hiện vào khoảng 3-2015, còn “truyền nước biển” mới có năm nay. Địa phương từng khuyến cáo và ra công văn nghiêm cấm tình trạng chích dung dịch vào cây.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang và ngành chuyên môn khuyến cáo nhà vườn không nên dùng ống tiêm chích và truyền dịch cho cam, bởi cách làm không đem lại hiệu quả và phản khoa học. Việc cam bị bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn gây ra, nếu tiêm kháng sinh đủ mạnh cộng thêm một số loại phân trung vi lượng bơm trực tiếp vào thân để diệt được vi khuẩn sẽ làm cho cây tạm thời xanh tốt nhưng sẽ suy kiệt rồi chết hoặc cây sống thì hàm lượng khánh sinh tồn dư vượt ngưỡng cho phép cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Dù biết việc cứu vườn là cần thiết nhưng với cách làm tự phát, thiếu kiểm chứng, phản khoa học thiết nghĩ nhà vườn không nên áp dụng.