Thú vị cuộc thi "Cai nhậu kháng sinh cho gia cầm”

Thứ Hai, 08/01/2018 07:03  | Ngô Đồng

|

(CAO) Một dự án OUCRU thực hiện năm 2015 phát hiện trung bình có đến 470mg chất kháng sinh được sử dụng để nuôi một con gà thịt ở Đồng bằng sông Cửu Long, cao gấp 5-7 lần so với châu Âu.

(CAO) Một dự án OUCRU thực hiện năm 2015 phát hiện trung bình có đến 470mg chất kháng sinh được sử dụng để nuôi một con gà thịt ở Đồng bằng sông Cửu Long, cao gấp 5-7 lần so với châu Âu.

Trong đó, 85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh, phần lớn được cho gia cầm dùng qua đường uống. Đó là chưa kể đến lượng kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Tại Việt Nam, phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh. Nghiên cứu cho thấy kháng sinh trong thức ăn có thể chiếm đến 25% tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm. Không chỉ sử dụng để phòng ngừa bệnh, mà kháng sinh ở đây còn được sử dụng như một giải pháp phổ biến để kích thích tăng trưởng của đàn gia cầm.

Mỗi con gà ở đồng bằng sông Cửu Long ăn 470 mg kháng sinh, cao gấp 5-7 lần so với châu Âu. Ảnh minh họa

Để kêu gọi nông dân chăn nuôi sạch, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại Học Oxford (đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM), Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Đồng Tháp, và Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức cuộc thi ảnh cho học sinh trung học phổ thông với tên gọi "Cai nhậu kháng sinh cho gia cầm".

Cuộc thi ảnh kêu gọi các bạn học sinh vùng nông thôn, bao gồm THPT Châu Thành 1 và THPT Thanh Bình 1, gửi ảnh chụp, tranh vẽ và miêu tả ngắn về các thực hành chăn nuôi tốt để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn trên gia cầm, từ đó giảm thiểu nhu cầu phải dùng đến thuốc kháng sinh.

Sau 1 năm phát động (từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018), đã có rất nhiều tranh ảnh được gửi về ban tổ chức. Với 10 giải thưởng, “Cai Nhậu Kháng Sinh Cho Gia Cầm” sẽ tổ chức lễ trao giải tại huyện Thanh Bình và Châu Thành ngày 8 và 9-1 tới.

“Khi thật sự yêu đàn gà của mình thì người nông dân sẽ tìm tòi cách chăn nuôi tốt, để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn, để giảm nhu cầu điều trị bằng thuốc kháng sinh cho vật nuôi”, học sinh Trần Thanh Nam (17 tuổi) nói.

Nam là một trong 123 học sinh trường THPT Thanh Bình 1 và Châu Thành 1 đưa ra nhiều cách truyền thông mới mẻ về lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam, thông qua hình chụp, tranh vẽ và bài viết ngắn.

Với tác phẩm "Để Gà Sạch Chính Hiệu", học sinh Nguyễn Lê Duy Thanh (18 tuổi) miêu tả một trang trại mở “tiệc nhậu kháng sinh”, cho gà từ lớn đến nhỏ say xỉn vì thuốc, mà ông chủ vẫn lừa người tiêu dùng quảng cáo bán “gà sạch”.

Tác phẩm của học sinh Nguyễn Lê Duy Thanh

Một tác giả khác, học sinh Trần Lê Huỳnh Thư (18 tuổi), vẽ bức tranh mang tên "Tui Kể Mình Nghe", lấy bối cảnh hai vợ chồng đang bàn bạc tìm cách hạn chế dùng kháng sinh bằng các thực hành chăn nuôi tốt, như chọn giống khỏe mạnh, lên kế hoạch tiêm vắc-xin đúng đắn. Em Thư tin rằng việc giảm thiểu kháng sinh chỉ thật sự hiệu quả khi những vợ chồng chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm với nhau nhiều hơn, mặc dù ở nông thôn người trong nhà ít trao đổi với nhau. 

Tác phẩm của học sinh Trần Lê Huỳnh Thư

Tất cả thí sinh đã đặt vấn đề lạm dụng kháng sinh trong đa dạng các mối quan hệ xã hội, và không quên đưa vào đó phong cách dí dỏm.

Qua các tác phẩm của học sinh Đồng Tháp cho thấy, giảm thiểu sử dụng kháng sinh cho gia cầm bắt đầu từ cam kết chăn nuôi tốt.

Theo nhóm nghiên cứu ViParc, việc sử dụng sai, sử dụng quá mức kháng sinh còn phổ biến trong ngành chăn nuôi Việt Nam, một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh (lờn thuốc kháng sinh). Hiện tượng này xảy ra khi vi khuẩn chống lại được tác dụng của thuốc, khiến việc điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở động vật và người bị thất bại.

Nếu người ăn phải thịt nhiễm kháng sinh cao, nguy cơ bị kháng kháng sinh cũng rất cao. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, cũng như gen kháng thuốc, có thể truyền từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, thức ăn và môi trường. Lờn thuốc kháng sinh đã trở thành một nguy cơ toàn cầu, hằng năm khiến 700.000 người chết. Nếu không có những hành động thiết thực thì từ năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm (theo báo cáo năm 2016 từ chính phủ Anh Quốc).

Không chỉ riêng với con gà, mà kháng sinh còn được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi gia súc và thủy sản. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam khó vào được một số thị trường nước ngoài khó tính.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đưa ra lộ trình cấm kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ năm 2018. Tuy nhiên, với thói quen dùng kháng sinh vô tội vạ, trong khi việc mua kháng sinh cũng như các loại thức ăn chăn nuôi có trộn kháng sinh vẫn dễ dàng như hiện nay, thì mục tiêu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng vẫn là một thách thức.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang