(CAO) Hơn 100 y bác sĩ trên toàn quốc cùng tham gia hội thảo khoa học “An toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ” vừa được tổ chức tại TP.HCM, nhằm mục tiêu nâng cao tính an toàn, hướng tới kiểm soát và hạn chế rủi ro trong toàn ngành.
BS. Hoàng Hữu Tùng, chuyên khoa gây mê hồi sức cho biết, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới có trên 230 triệu ca phẫu thuật trong đó bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong khi đó, nhu cầu thẩm mỹ ở Việt Nam đang tăng nhanh, chỉ tính riêng ở TP.HCM, mỗi năm số người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ các loại vào khoảng 250.000 người, trong đó có 100.000 người phẫu thuật thẩm mỹ với độ tuổi trung bình làm thẩm mỹ từ 25- 35 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi này ngày càng trẻ hóa, vào khoảng 18-19 tuổi.
Cũng theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, hiện nay Việt Nam có hơn 20 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân; 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 320 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân; 479 phòng khám da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ cùng hàng ngàn cơ sở chăm sóc da ngoài sự quản lý của ngành y tế.
Bên cạnh những thành quả mà người hành nghề thẩm mỹ đem lại, trong thực tế đã xảy ra những biến chứng, tai biến không mong muốn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhu cầu thẩm mỹ ở Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh minh họa
ThS.BS.Trần Lâm Hùng đã cung cấp những thông tin về cách phòng và xử trí các tai biến, biến chứng nặng trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Cụ thể về cách nhận diện, xử trí sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê trong phẫu thuật thẩm mỹ, cách xử trí cụ thể tai biến và biến chứng trong nhóm phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ – ghép mỡ; phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm mặt; phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực và phẫu thuật thẩm mỹ vùng bụng.
Theo BS. Hùng, các tai biến và biến chứng nguy hiểm với bệnh nhân trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thể đến từ việc gây tê, mê, đó là sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc tê. Cần phát hiện sớm và phân biệt được là sốc hay ngộ độc để có biện pháp xử trí phù hợp, kịp thời.
Nhận diện sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc tê là rất quan trọng, vì đây là 2 tai biến khác nhau hoàn toàn, và có cách xử lý khác nhau. Nếu nhầm lẫn sốc phản vệ với ngộ độc thuốc tê thì khi xảy ra tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ, xử lý không đúng dẫn đến bệnh nhân ngày càng nặng hơn.
BS. Nguyễn Thị Huệ, Phó khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hiện trên thị trường Việt Nam có nhiều loại thuốc tê. Tác dụng phụ của thuốc tê có thể là dị ứng nhưng khá hiếm gặp. Ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra do dùng quá liều cho phép hay do nồng độ thuốc tê tăng cao đột ngột trong máu như chích thuốc vô mạch máu. Triệu chứng thường nhanh chóng, ồ ạt, bệnh nhân choáng váng, không tự chủ, nói nhảm, tiếp theo co giật, có thể trụy tim mạch.
Khi bệnh nhân ngộ độc thuốc tê, cần ngưng ngay thuốc và gọi người hỗ trợ; quản lý đường thở (mask hay đặt nội khí quản, thở máy, oxygen 100%); chống co giật; quản lý rối loạn nhịp tim; liệu pháp nhũ dịch lipid...
Tại Hội thảo, TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Trưởng bộ môn hồi sức cấp cứu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng đã chỉ ra hàng loạt những sai lầm của các nhân viên y tế trong việc xử lý các trường hợp tai biến y khoa dẫn đến ngưng tim, ngưng thở như: thiếu tổ chức, bỏ phí nhiều thời gian, thực hiện không đúng kỹ thuật.
Theo BS. Huy, nhiều nhân viên y tế mất quá nhiều thời gian để xác định bệnh nhân đó có ngưng tim, ngưng thở hay không, chưa làm đúng kỹ thuật hồi sinh tim phổi, thủ thuật ấn tim không đúng hoặc làm không đủ, cơ sở không trang bị đầy đủ máy phá rung... khiến việc hồi sức cho bệnh nhân mất nhiều thời gian. Mặc khác, không có người chỉ huy, phân công cụ thể, mỗi người ra lệnh làm một kiểu.
Khi đó, đối với bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, cứ 1 phút trôi qua là mất 10% khả năng cứu sống, nếu mất 7 phút là mất 70% khả năng cứu sống, nên cần tiết kiệm từng giây, tránh bỏ phí thời gian vào công việc không cần thiết.
TS. BS. Đỗ Quốc Huy, Phó GĐ Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời báo chí
Ông Phan Công Chiến, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Y tế phía Nam cho biết, thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xảy nhiều sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ. Đây là vấn đề đáng báo động và dự báo sẽ còn xảy ra trong thời gian tới nếu không kịp thời chấn chỉnh, cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn.