(CAO) Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020; phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 15/12/2019 đến hết ngày 25/3/2020, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành từ thành phố đến cấp phường, xã, thị trấn tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2020 có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. Đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM trong một lần kiểm tra an toàn thực phẩm
Trong đó, chú trọng tăng cường công tác lấy mẫu, giám sát đối với các thực phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020. Các đơn vị liên tục lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàn the, phocmon, độ sạch của dụng cụ…
Mục tiêu của kế hoạch là nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020.
Riêng hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ có chọn lọc, tập trung trọng điểm vào các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở kinh doanh thực phẩm; chú trọng kiểm soát các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống…; kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng.
Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TPHCM yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khi phát hiện sai phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc các vi phạm khác về an toàn lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, ngăn chặn các hành vi quảng cáo thực phẩm vi phạm, không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.