Xử nghiêm tội phạm “tín dụng đen”
Với 92,75% tổng số đại biểu tán thành, Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án vừa được Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều nay (27-11).
Nhận định chung về các công tác trên, Nghị quyết cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Chủ nhiệm UBTP Quốc hội Lê Thị Nga giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH
Công tác tư pháp, theo Nghị quyết, vẫn còn một số hạn chế: việc chấp hành pháp luật trong khởi tố, điều tra tội phạm có trường hợp chưa nghiêm. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu.
Nghị quyết cũng nêu rõ, việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tương xứng với tình hình thực tế. Vẫn để xảy ra trường hợp oan, bỏ lọt tội phạm.
Tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp, kéo dài qua nhiều năm, nhất là trường hợp người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND. Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bảo đảm tính giáo dục, răn đe.
Từ đánh giá trên, nêu chỉ tiêu, nhiệm vụ thời gian tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Yêu cầu ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen” cũng được Chính phủ đặt ra.
Giao chỉ tiêu cụ thể, Quốc hội yêu cầu chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%.
Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, được Quốc hội yêu cầu phải đạt trên 90%. 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố.
Với án tham nhũng, kinh tế, Quốc hội đề nghị kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thi hành án. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.
Không bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội
Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát.
Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. Kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để giải quyết vụ án khẩn trương, đúng pháp luật. Bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đúng pháp luật. Không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp
Trước đó, thảo luận về chỉ tiêu này, có ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo nghị quyết quy định không bỏ lọt tội phạm là quá khắt khe, đề nghị sửa thành “hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm”.
Giải trình, UBTVQH cho biết, các nghị quyết hiện hành của Quốc hội về công tác tư pháp đều yêu cầu “không để xảy ra trường hợp làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”. Đây là nguyên tắc trong hoạt động tố tụng, là căn cứ quan trọng định hướng hoạt động của các cơ quan tư pháp, phấn đấu nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Vẫn trong chỉ tiêu giao Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Quốc yêu cầu cơ quan này chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp đảm bảo việc ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%.
Đối với toà án nhân dân Tối cao, yêu cầu của Quốc hội là đảm bảo tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%. bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án.
Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm.
Vì sao chỉ bảo đảm tỷ lệ truy tố trên 95%?
Quá trình thảo luận về dự thảo Nghị quyết, có ý kiến cho rằng quy định bảo đảm tỷ lệ truy tố bị can đúng tội đạt trên 95% là không phù hợp, vì như vậy còn 5% được phép truy tố sai tội.
Giải trình nội dung này, UBTVQH cho biết, các Nghị quyết hiện hành đều quy định tỷ lệ Viện kiểm sát nhân dân truy tố đúng tội đạt trên 95% và dự thảo Nghị quyết tiếp tục kế thừa chỉ tiêu này.
Theo UBTVQH, nhiều năm qua, Viện kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trên cơ sở đó đạt và vượt chỉ tiêu này, riêng năm 2019 đạt tỷ lệ 99,9% và mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến Tòa án nhân dân phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc còn để xảy ra một số trường hợp truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt, trong đó có nguyên nhân: một số vụ án khi đến phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng thay đổi hoàn toàn lời khai trong giai đoan điều tra, đưa ra các chứng cứ mới.
Vì lý do trên, để cân đối giữa yêu cầu bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và khả năng thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong điều kiện tội phạm gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng nghiêm trọng, cơ quan giải trình đề nghị tiếp tục kế thừa các Nghị quyết hiện hành, quy định tỷ lệ truy tố bị can đúng tội đạt trên 95% như quy định của Nghị quyết hiện hành.