(CAO) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu...
Với 92,96% phiếu thuận, Luật Lực lượng dự bị động viên vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều nay (26-11). Luật gồm 5 Chương, 41 Điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên
Theo Luật được thông qua, độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 17) được quy định cụ thể như sau: nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;
Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.
Quá trình thảo luận trước đó về nội dung này, có ý kiến đề nghị tăng độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình cho thống nhất với các luật khác liên quan và sát với tình hình thực tế.
Có ý kiến đề nghị giảm độ tuối nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được xếp vào đơn vị đảm bảo chiến đấu không quá 40 và nữ quân nhân dự bị không quá 35 tuổi.
Tuy nhiên, thay mặt UBTVQH giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt khẳng định, việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào LLDBĐV.
Riêng với đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi của quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, ông Việt cho hay, UBTVQH đã từng giải trình tại Báo cáo số 462/BC-UBTVQH14, ngày 19-10-2019. Cụ thể, UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự.
Liên quan đến phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp, bổ nhiệm chức vụ đơn vị dự bị động viên (Điều 29), có đại biểu lưu ý, quy định “quân nhân dự bị xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp” là thiếu khả thi, không thỏa đáng và ngân sách khó bảo đảm.
Nêu lập luận của mình, cơ quan giải trình phân tích: quy định về phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp, bổ nhiệm chức vụ trong đơn vị dự bị động viên nhằm động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm của quân nhân dự bị và góp phần bảo đảm công bằng xã hội.
Trong lần giải trình trước đó, UBTVQH còn chỉ ra, Pháp lệnh hiện hành và Nghị định số 39/CP ngày 28-4-1997 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh chỉ quy định quân nhân dự bị và gia đình họ được hưởng phụ cấp trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Để bảo đảm tương xứng với chế độ, chính sách của sĩ quan dự bị đã đăng ký cũng được hưởng phụ cấp và động viên hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định chung “Quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp” là phù hợp, góp phần bảo đảm công bằng hơn trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Dù vậy, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm rõ ràng, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho sửa lại khoản 3, Điều 29 theo dự thảo trình Quốc hội thông qua là: “Chính phủ quy định mức phụ cấp, điều kiện và thời gian được hưởng phụ cấp”.