Bổ sung hình thức kỷ luật “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”

Thứ Hai, 25/11/2019 14:59

|

(CAO) Hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Vừa được thông qua với 88,2% đại biểu tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Viên chức đã được thông qua trong chiều 25-11.

Trước đó, thảo luận về dự thảo luật này, quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật VC

Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn.

Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:
a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;
b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Ý kiến khác đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật "xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Nhận định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện, UBTVQH cho rằng luật quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật.

Hình thức "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm", theo UBTVQH, là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng. Thực tiễn áp dụng hình thức kỷ luật này thời thời gian qua cũng cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đó, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Về hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức nói chung, có ý kiến đề nghị luật quy định theo hướng công chức phạm tội hình sự thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án hoặc quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật.

Có ý kiến cho rằng cần cân nhắc vấn đề này, trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý được hưởng án treo thì không bị buộc thôi việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định cán bộ, công chức phạm tội được hưởng án treo không thuộc trường hợp đương nhiên bị thôi việc là kế thừa quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện hành thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước.

Hơn nữa, pháp luật hiện hành đã quy định rõ điều kiện để một người được tòa án áp dụng hình thức án treo là người có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Do đó, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua vẫn giữ quy định: cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Liên quan đến quy định thu hút nhân tài, UBTVQH cho rằng việc phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài là vấn đề lớn, quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước đối với người có tài năng.

Tuy vậy, khái niệm “người có tài năng” là rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, theo UBTVQH, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi.

Bên cạnh đó, phạm vi của Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định về quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đối với “cán bộ, công chức”, nếu quy định về người có tài năng nói chung là không phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang