(CAO) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông qua vào chiều 26-11 với đa số phiếu tán thành, Luật Chứng khoán quy định chi tiết về việc xử lý với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo đó, Điều 132 của Luật quy định, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình, tiếp thu dự luật Chứng khoán
Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán
1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
2. Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
4. Thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.
5. Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
6. Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
7. Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định của Luật này.
Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều 132 thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại này, tức là 3 tỷ đồng. Đây là mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán.
Thảo luận về nội dung này trước đó, có ý kiến cho rằng ngoài việc phạt tiền cần tăng cường các chế tài xử phạt bổ sung mang tính răn đe hơn như treo giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố thông tin gian dối, rút giấy phép hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trên TTCK khi bị kết luận có các hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật.
Nêu quan điểm, UBTVQH cho rằng, các hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (bao gồm: đình chỉ có thời hạn các hoạt động về chứng khoán và TTCK; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 1-3 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính).
Để tăng cường răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn TTCK, Điều 7 dự thảo Luật đã bổ sung các biện pháp mạnh như: cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán
Trước ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về cách tính khoản thu trái pháp luật (bao gồm cả thu nhập trực tiếp và thu nhập gián tiếp), để có cơ sở tính mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về chứng khoán, cơ quan giải trình thông tin, biện pháp thu hồi khoản thu hay số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là một trong các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể (nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền áp dụng) tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các ngành, lĩnh vực. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay đã quy định về biện pháp này.
Về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán, theo UBTVQH, dự thảo Luật giao Bộ Tài chính quy định.