Tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp chiều 27-11, phóng viên đã nêu câu hỏi về việc trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam đã quy định, người nước ngoài được miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày vào khu kinh tế ven biển.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng trao đổi tại buổi họp báo chiều 27-11
Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, khi thẩm tra dự án Luật này, Uỷ ban đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và có quy định rất cụ thể về các điều kiện để người nước ngoài được miễn thị thực tại khu kinh tế ven biển.
Theo ông Hồng, hiện nay, quy định chung là như vậy nhưng đủ điều kiện để áp dụng chỉ có huyện đảo Phú Quốc. Lý do là quy định khu kinh tế ven biển đó phải đáp ứng 4 điều kiện: có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Cũng theo ông Hồng, trước khi thực hiện quy định vấn đề này trong Luật đã có quá trình tiến hành thí điểm miễn thị thực cho các đối tượng NNN ở Phú Quốc. Qua đánh giá cho thấy nơi đây đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng - an ninh, đồng thời, thu hút khách du lịch, đầu tư nước ngoài.
Giải đáp thắc mắc liệu có sửa đổi các quy định trong Luật này theo hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài vào du lịch, đầu tư và Luật hóa Nghị quyết của Quốc hội về thị thực điện tử, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng thông tin, qua báo cáo thẩm tra cũng như đánh giá tác động cho thấy đã đánh giá rất kỹ.
"Chúng ta đã tính toán rất kỹ về tác động của vấn đề này đối với quốc phòng - an ninh” – ông Hồng khẳng định và cho biết, trong Luật lần này cũng khắc phục những bất cập, tồn tại khi để xảy ra một số vụ việc mà các đối tượng NNN đã lợi dụng.
“Chúng ta đã ban hành các quy định để ngăn chặn, chủ động phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến NNN" – ông Hồng cho biết.
Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với 83,64% số phiếu tán thành. Luật bổ sung thêm quy định tại Khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 luật hiện hành về trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Theo đó, ngoài những trường hợp đang áp dụng, luật mở rộng diện miễn thị thực với những người nước ngoài khi “vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Thay mặt UBTVQH báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, bên cạnh những ý kiến nhất trí với nội dung trên, một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ, bổ sung các điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ và không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì cho rằng với bờ biển dài sẽ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Có ý kiến lại đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, cân nhắc các quy định liên quan đến “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.
UBTVQH nhận định việc bổ sung trường hợp NNN được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài là bảo đảm chặt chẽ. Các khu kinh tế ven biển trong đất liền trải dài theo chiều dọc của đất nước không đủ điều kiện để áp dụng quy định này.
“Việc bổ sung quy định trên là cần thiết, vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển đủ điều điện để phát triển khu vực này, vừa bảo đảm chặt chẽ về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh” – ông Việt nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” trong luật này cũng thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.