(CATP) Thời gian gần đây, tại các bãi biển dọc tỉnh Bình Thuận, hiện tượng thủy triều đỏ (Red tide, còn gọi là tảo nở hoa - water bloom) xảy ra nghiêm trọng, do lượng tảo biển xuất hiện dày đặc trên diện rộng. Riêng ngày 17-7-2015, nước biển chuyển từ màu xanh sang xám, nâu và nở bọt trắng xóa dọc bờ biển kèm theo mùi tanh.
Điều đáng lo là không ít du khách và người dân vẫn chưa rõ hiện tượng này, nên chưa biết cách phòng tránh. Nhiều du khách đến nhưng không dám tắm biển mà chỉ ngồi trên bờ ăn hải sản.
Thủy triều đỏ là hiện tượng tự nhiên xảy ra do mật độ tế bào vi tảo gia tăng lên đến hàng triệu tế bào/lít (thông thường khoảng 10 - 100 tế bào vi tảo/ml) làm biến đổi màu của nước biển. Người dân ven biển thường gọi là nước cám, nước mùn cưa, nước trứng, trứng báng... Hiện tượng tự nhiên mỗi năm đều diễn ra vào tháng 6 đến tháng 7, nhất là khi có biển động và mưa lớn sẽ hết. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng này xuất hiện dày và nghiêm trọng hơn trước.
Tại Việt Nam, thủy triều đỏ xảy ra ở nhiều nơi, riêng vùng biển Bình Thuận là nơi có tần suất nở hoa của vi tảo cao nhất. Cũng từ tháng 7 - 8, do tác động của các dòng hải lưu sinh ra hiện tượng nước trồi, khi đó các chất dinh dưỡng từ tầng đáy sẽ được đưa lên mặt và đó cũng là nguồn dinh dưỡng cho các loài tảo phát triển nhanh.
Người dân đang thu gom rác dọc bờ biển Mũi Né, Bình Thuận
Bên cạnh đó, do quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp... đem đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước (hiện tượng phú dưỡng). Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường lượng dinh dưỡng đáng kể.
Nitrate và Phosphate sản sinh nhiều trong các nguồn kể trên là chất dinh dưỡng chính của tảo, cũng là điều kiện kích thích sự nở hoa. Khi vào giai đoạn tàn lụi, tảo lại được gió và thủy triều đưa vào bờ. Ở vùng biển Bình Thuận chủ yếu là tảo Phaeocystis globosa, độc tố của loài này đến nay vẫn chưa được xác định, ngoài biểu hiện nở bọt trắng.
Kết quả khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, hầu hết các loài vi tảo biển nở hoa thường đưa đến hậu quả làm cho môi trường xấu đi, hàm lượng oxy hòa tan suy giảm nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thủy sinh vật.
Tảo chết và chìm xuống đáy thủy vực, bị phân hủy bởi các vi sinh vật khác, đặc biệt là vi khuẩn, gây nên hiện tượng thiếu ôxy trong các tầng nước làm chết các loài thủy sản. Hiện tượng nở hoa có khả năng sản sinh độc tố đang là mối đe dọa khu hệ động và thực vật tự nhiên trong nước, nghề nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, bãi biển các khu du lịch (KDL) Sóng Biển Xanh, Thùy Dương, Thùy Trang, Hòn Rơm... tại Mũi Né - Phan Thiết đã tràn ngập rác sinh hoạt: quần áo, bao nylon, lưới đánh cá, hộp đựng cơm...
Theo anh Trần Đình Lộc Quang, quản lí bộ phận nhà hàng của KDL Sóng Biển Xanh: “Do vào mùa gió Nam, rác thải của các khu dân cư bên cạnh, khu buôn bán tự phát ven biển, nhất là ngư dân đánh bắt gần bờ, đều dồn về bờ biển này. Thêm vào đó, ảnh hưởng sau cơn bão số 2 nên rác từ các bãi ven sông Cà Ty cuốn ra biển rất nhiều. Mấy ngày gần đây, tính riêng bãi biển trước resort mỗi ngày dọn 2 đợt rác lúc thủy triều rút, khoảng 1-2 xe tải nhỏ, gây không ít khó khăn cho các KDL trong việc thu gom để đảm bảo mĩ quan và vệ sinh đô thị”.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, người dân và du khách cần chú ý: không tắm biển, không ăn hải sản tại khu vực có thủy triều đỏ đến khi có thông báo từ cơ quan chức năng. Cần chấm dứt việc thu nhặt hải sản chết do thủy triều đỏ về chế biến cho người và vật nuôi. Chú ý bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác thải trực tiếp và gián tiếp xuống biển.
Bà con nuôi thủy sản nên quản lý chặt chẽ thức ăn cũng như nguồn thải, tránh hiện tượng phú dưỡng của ao nuôi cũng như các thủy vực khác nơi nguồn thải tập trung.
Hoàng Thị Hiền - Sang Nguyễn