(CAO) Được tài trợ hàng trăm triệu đồng để làm cầu phục vụ cho những địa điểm “lụy đò”. Thế lãnh đạo xã Mong Thọ B (H.Châu Thành, Kiên Giang) lấy số tiền trên xây cầu bắc qua bờ chuối, nơi không có đường đi khiến người dân vô cùng bức xúc.
Số phận cây cầu xây “hỏa tốc”
Hơn một tháng nay, nhiều người dân ở xã Giục Tượng và Mong Thọ B lấy làm khó hiểu và bức xúc khi thấy một cây cầu bê-tông cốt thép đang được xây dựng bắc qua bờ đê trồng chuối, cạnh đó là một số mảnh ruộng trồng lúa.
Chiếc cầu thi công dở dang vì bắc qua khu đất trồng chuối
Bà Lưu Thị Kim Hai (58 tuổi, ngụ P.Vĩnh Lợi, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) bức xúc: “Cây cầu nằm trên kênh Tà Nôm được nối từ ấp Phước Hòa, xã Mong Thọ B qua ấp Tân Điền, xã Giục Tượng.
Từ trước đến nay, việc xây dựng cầu theo hình thức xã hội hóa người dân rất đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, cây cầu này bắc qua phần đất gia đình và chưa được sự đồng ý của tôi nhưng chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng là không thể chấp nhận. Điều đáng nói phía bờ ấp Phước Hòa hiện nay chỉ là bờ đê để trồng chuối, chưa có đường bắc qua đó làm gì?”.
Theo lời bà Hai, cách nay khoảng 3 tháng, ông Nguyễn Tấn Thịnh (Phó ấp Phước Hòa) có dẫn nhà thầu lại và nói: “Phía nhà từ thiện cho 360 triệu đồng để bắc cây cầu nên bà lên tôi chở đi chỉ vị trí”. Thấy việc xây cầu là không cần thiết cũng như ảnh hưởng đến phần đất của gia đình bà Hai từ chối.
Lúc này, chủ thầu nói: “Đấy là đất Nhà nước, bà không có quyền”. Ngoài ra, ông Thịnh còn cho rằng Nhà nước sắp đầu tư con đường nhựa rộng hơn 3m mắc gì trước đó bà Hai làm con lộ 1,2m. Sau một hồi cãi vã tất cả bỏ về.
Mấy ngày sau, ông Thịnh, nhà thầu và một người phụ nữ đi vào khu đất của bà Hai để khảo sát, đo đạc… Lúc này người thuê đất hỏi những người này có thông qua bà Hai không và nhận được câu trả lời: “Không cần thiết”.
Sau đó, một nhóm khoảng 20 người đem phương tiện phục vụ thi công đậu kín con kênh để tiến hành xây dựng cầu mà chưa có sự đồng ý của người dân sinh sống ở đây.
Ngày 18-8, bà Hai vô ấp Tân Điền thấy trụ cầu đã được đóng dưới lòng kênh và một phần trên đất của bà. Lúc này, bà đến yêu cầu lãnh đạo xã Mong Thọ B phải tháo dỡ công trình không phép. Tuy nhiên 3 ngày sau trở lại bà vẫn thấy nhóm công nhân còn thi công nên liền ngăn cản nhưng bất thành.
Bức xúc trước sự việc trên, bà Hai đã làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND xã Mong Thọ B và Giục Tượng yêu cầu đình chỉ thi công và tháo dỡ cây cầu trái phép cũng như xử lý những cá nhân sai phạm.
“Sau khi gửi đơn Chủ tịch Mon có đến nói việc ông Thịnh bắc cầu không hề hay biết và hứa sẽ cho người tháo gỡ. Nào ngờ khi tôi vô kiểm tra nhóm công nhân vẫn tiếp tục thi công. Cách nay hơn 1 tuần, cấp trên chỉ đạo công trình sai phép trên mới được tạm dừng”, bà Hai cho biết thêm.
Tại vị trí xây cầu, bà Hai có hơn 1 héc-ta đất được sang lại cách nay hơn 10 năm. Để phục vụ việc đi lại của một số hộ dân sống gần đó, cách nay khoảng 5 năm, bà Hai bỏ tiền làm con đường bê-tông dài 700m.
Xây cho dân đi hay để bán nền?
Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân cho rằng việc xây dựng cầu tại đất bà Hai là không cần thiết, bởi khu vực đó không có ai qua lại.
“Việc xây dựng cây cầu trên để phục vụ cho việc phân lô bán nền khu đất 14 công được sang nhượng cách nay 3 năm chứ không phải cho dân đi. Công trình trên rất lãng phí bởi cách đó vài trăm mét có xóm nhà hơn chục hộ không có cầu đi tại sao không bắc mà xây dựng nơi đường cùng?”, một người dân sống cố cựu tại đây đặt câu hỏi.
Dư luận cho rằng địa phương bắc cầu phục vụ cho việc bán đất.
Theo quan sát của phóng viên, cầu đang thi công cách cầu kênh 9 lộ Xuyên Á khoảng 200m. Điểm cuối cầu là khu vực trồng chuối, làm ruộng không có nhà dân sinh sống cũng như đường đi lại.
Để làm rõ những xôn xao trên, phóng viên tìm đến UBND xã Mong Thọ B và được Nguyễn Ngọc Mon (Chủ tịch xã), cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri bà con đề nghị làm cầu Tà Nôm để phục vụ việc đi lại. Trong quá trình vận động anh N.T.H (TP.Cần Thơ) tài trợ 270 triệu đồng để xây cầu.
Sau đó, trưởng ấp Phước Hòa ra gặp bà Hai để hỏi ý xây dựng nhưng bà này không có nhà. Sau đó 10 ngày, có phân công ông Nguyễn Tấn Thịnh cùng nhà tài trợ ra gặp bà Hai nhưng bà này từ chối. Tiếp đến địa phương có nhờ Bí thư xã Giục Tượng liên hệ với bà Hai nhưng không nhận được phản hồi. Đùng một cái đơn vị thi công coi được ngày đã xuống trụ cầu, đổ đà (!). Do bị bà Hai phản ứng nên chúng tôi đã cho ngưng thi công”.
Theo lời ông Mon, đến nay công trình cầu Tà Nôm đã hoàn thành được hơn 60% khối lượng. “Nếu bà Hai không đồng ý sẽ cho tiến hành tháo dỡ và tìm vị trí khác để lắp đặt, nhưng đến nay chưa có chỗ. Qua sự việc này địa phương rút kinh nghiệm cho các lần xây dựng tiếp theo, cụ thể là phải họp dân lấy ý kiến. Đối với ông Thịnh xã đã họp và chấn chỉnh về thái độ phát ngôn đối với người dân”, ông Mon cho biết thêm.
Qua sự việc trên cho thấy việc xây cầu và sử dụng kinh phí tài trợ của xã Mong Thọ B như trò đùa, bởi muốn xây hay tháo dỡ tùy thích?