(CATP) Tinh mơ ngày 12-4-1961. Gió lồng lộng trên sân bay vũ trụ Baikonuar (thật ra khoảng không gian mênh mông được dùng làm bãi phóng chỉ được mang tên như vậy sau khi nhà nước Xô Viết thấy cần phải thông báo cho toàn thế giới biết tin sự kiện vừa xảy ra). Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tên lửa đẩy sẽ đưa con tàu mang tên “Phương Đông” trong khoang có người, bay vào vũ trụ.
Hàng chục chuyên gia đang bận bịu bên những giá đỡ bằng thép giữ cho quả tên lửa ở dạng thẳng đứng.
Trong một ngôi nhà nhỏ tại sân bay Baikonur người ta vừa đánh thức hai chàng trai: Yuuri Gagarin, người sẽ chiếm chiếc ghế trong con tầu “Phương Đông” và dự bị của anh - Gherman Titov, người sẵng sàng thay thế anh nếu có biến cố.
Sau mấy phút thể dục, bữa ăn sáng, tiếp tới là khâu kiểm tra sức khỏe, việc cuối cùng là mặc lên người bộ quần áo bay. Vào lúc đó, các chuyên gia kiểm tra máy móc, thiết bị của con tàu lần cuối cùng. Khi Y.Gagarin và G.Titov sắp đội lên đầu chiếc mũ trong bộ đồ của phi hành gia, theo đề nghị của Y.Gagarin người ta viết lên phía trước mũ bốn chữ màu đỏ “CCCP” (chữ Nga viết tắt: Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Xô Viết).
Để đợi giờ con tàu cất cánh Y.Gagarin đã phải ngồi trong chiếc ghế của “Phương Đông” hai tiếng đồng hồ. Trạng thái tinh thần của anh vào thời điểm đó, như sau này anh nhớ lại là khá tốt.
Y.Gagarin báo báo cho bộ phận chỉ đạo chuyến bay biết anh đã sẵn sàng chờ thời điểm xuất phát, thậm chí anh còn nói đùa. G.Titov và các phi hành gia khác cũng giữ được sự bình tĩnh cần thiết.
Vào đúng 9 giờ 7 phút, theo giờ Moskva, hệ thống bảo đảm lùi ra xa, động cơ tên lửa đẩy được đóng mạch, “Phương Đông” bứt khỏi mặt đất.Từ máy tự động vang lên tiếng của Y.Gagarin mà sau này trở thành câu nói bất hủ: “Lên đường!”.
Y.Gagarin sẽ mãi được lịch sử ghi nhớ là người đầu tiên bay vào vũ trụ
Khoảnh khắc này bản thân Y.Gagarin đã tả lại trong lần báo cáo với Hội đồng Vũ trụ Nhà nước, một ngày sau khi anh tiếp đất: “Từ bãi phóng... sau khi hệ thống bảo đảm rời ra khỏi tên lửa đẩy, xảy ra điều gì đó như những va đập nhẹ. Tôi cảm nhận ra các cấu kiện và tên lửa như nhúc nhích. Rồi tên lửa hơi chao lắc.Tiếp đó như có gió thổi, những chiếc xu-páp rít lên. Phóng! Tên lửa bay với tốc độ như đã dự báo trước. Cảm thấy hơi nóng, các động cơ đã làm việc. Tiếng ồn cảm nhận rõ.
Sau đó, mọi hiện tượng trở lại mức trung bình, tiếng động như ngồi trên máy bay. Trong mọi trường hợp tôi đã sẵn sàng đón nhận tiếng động lớn nhất nhưng đã không có chuyện gì. Tình trạng mất trọng lượng bắt đầu xuất hiện, tôi vẫn chịu được. Cũng không khác gì đã từng chịu đựng trên máy bay bay thử. Trong tình trạng mất trọng lượng ấy tôi mở máy liên lạc với trái đất. Quả là rất khó nói vì các cơ trên mặt như bị kéo căng ra.
Tình trạng mất trọng lượng lượng tiếp tục tăng lên và như đạt tới cực điểm rồi bắt đầu giảm xuống. Và sau đó giảm nhanh đột ngột khiến tôi có cảm giác như bị văng khỏi con tàu… Vào giây thứ 150 tôi có cảm giác đầu tôi nở to ra trong chiếc mũ bay…”.
Sau 9 phút kể từ lúc rời bệ phóng, “Phương Đông” đã đi vào quỹ đạo của trái đất. Tuy nhiên, tiếp đất mới là phần nguy hiểm nhất của chuyến bay do Y.Gagarin thực hiện. Chính ở thời điểm này nhà phi hành đầu tiên của loài người phải hứng chịu tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Người ta đã im lặng rất lâu, cố gắng gạt sang một bên những gì sẽ làm giảm đi bức tranh hoành tráng của một chiến tích mà nhà nước Xô Viết đã đi tiên phong trước các cường quốc khác.
Đâu đó, từ trên độ cao 7000 mét Y.Gagarin đã lao ra khỏi con tàu và rơi xuống đất bằng… dù! Việc này vào năm 1961 không một ai được động chạm tới. Người Nga và cả thế giới đều tin rằng Y.Gagarin tiếp đất trong một cỗ máy đặc biệt. Ngay ca Hiệp hội Hàng không quốc tế cũng tỏ ra không tin từ độ cao đó Y.Gagarin tiếp đất bằng dù!
Ngay trong một lần họp báo diễn ra cách ngày phi hành gia trở về trái đất không bao lâu, trước câu hỏi anh đã tiếp đất như thế nào, Y. Gagarin nhìn vào mắt phóng viên, cũng trả lời rằng tiếp đất trong một thiết bị đặc biệt.
Nhiều năm tháng đã trôi qua, khi sự thật trở về nguyên vị trí của nó, chúng ta càng thêm cảm phục lòng dũng cảm, đức hy sinh vì khoa học và tinh thần kỷ luật của Y.Gagarin.
Càng cảm động, khâm phục anh hơn, vào lúc chúng ta được đọc lá thư Y.Gagarin gửi cho vợ và hai cô con gái vài ngày trước khi anh bay vào vũ trụ:
“Xin chào em Valechka, và hai con Lenochka và Galochka hết sức thương yêu!
Quyết định viết cho ba mẹ con mấy dòng để chia sẻ với em và hai con niềm vui, niềm hạnh phúc của anh. Hôm nay Hội đồng Vũ trụ nhà nước đã quyết định đưa anh là người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Em có biết anh vui như thế nào không và anh muốn chia sẻ niềm vui ấy với ba mẹ con em. Mở đường vào vũ trụ - mọi người đã giao sứ mệnh thiêng liêng như vậy cho một con người bình thường là anh của em và bố của hai con. Liệu có thể mơ ước điều gì lớn lao hơn thế không?
…Anh tin vào khoa học. Tất cả đã được chuẩn bị tốt đến mức cần thiết và có thể. Nhưng ở đời này mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nếu anh gặp tình huống xấu, anh mong Valechka của anh, trước hết là em đấy, không được gục đổ vì thương đau. Xin em hãy hết lòng yêu thương hai đứa con gái nhỏ của chúng ta.
Y.Gagarin và hai cô con gái
Hãy yêu thương chúng như anh yêu thương hai đứa. Hãy nuôi dạy chúng trở nên những con người tử tế. Hãy thu vén cuộc sống riêng của em như lương tâm mách bảo em.
Anh không dám đặt lên đôi vai em bất cứ đòi hỏi hoặc trách nhiệm gì. Anh không có quyền. Sao lá thư này lại như lời di chúc vậy? Anh không mong muốn như thế đâu! Anh cầu mong em không bao giờ phải đọc những dòng chữ này và anh tự ngượng với chính mình vì phút mềm lòng trước em và hai con.
Hy vọng rằng, ít ngày nữa chúng ta sẽ gặp nhau, sẽ sống trong hạnh phúc.
Xiết chặt em và hai con với những chiếc hôn nồng thắm!
Ngày 10-4-1961. Y.Gagarin”
|
Thật may mắn, hay cũng có thể là một sự hy sinh khác của Y.Gagarin, vì nhiều lý do bảo mật, rất nhiều năm sau chị vợ và hai cô con gái người anh hùng mới được đọc những dòng thư này.
Tô Hoàng (Theo báo "Sự thật Thanh niên” - Nga)