(CAO) Đến sáng nay, 15-7, giới thiên văn quốc tế vẫn không ngớt bàn luận về thành tựu mới của nhân loại: lần đầu tiên tàu vũ trụ của NASA bay ngang qua sao Diêm Vương và gửi dữ liệu của hành tinh lùn này về Trái Đất.
BBC đưa tin tín hiệu từ tàu vũ trụ New Horizons gửi về trạm mặt đất của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đặt tại Madrid (Tây Ban Nha) cho thấy phi thuyền này đã bay ngang sao Diêm Vương.
Tín hiệu của tàu New Horizons phải mất đến 4 giờ 25 phút để đến được Trái Đất khi vượt qua khoảng cách 4,7 tỷ km từ Trái Đất đến sao Diêm Vương.
Các kỹ sư NASA đã ôm chầm lấy nhau rồi hò reo sung sướng khi nhận được dữ liệu do New Horizons gửi về. Chuyên gia Alice Bowman thuộc dự án New Horizons sung sướng nói: “Tôi không thể diễn tả cảm xúc vào lúc này. Nó diễn ra giống như những gì chúng tôi dự tính”.
Sao Diêm Vương do tàu New Horizonz chụp - Ảnh: NASA
Các dữ liệu chi tiết hơn về sao Diêm Vương sẽ được tàu New Horizons truyền về Trái Đất trong vòng 16 tháng nữa. Đây là lần đầu tiên có tàu vũ trụ bay đến được vành đai Kuiper (thuật ngữ thiên văn chỉ các vật thể của hệ Mặt Trời nằm trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương Tinh trở ra, gồm nhiều loại đá, băng, vật thể, hành tinh lùn, tiểu hành tinh bao gồm cả sao Diêm Vương).
Tàu New Horizons đến sao Diêm Vương cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc hoàn thành quan sát toàn bộ hệ Mặt Trời. Con tàu này được phóng vào không gian vào năm 2006.
Đồ họa hành trình dài 4,7 tỷ km của tàu New Horizon để đến được sao Diêm Vương - Ảnh đồ họa của BBC
Dự kiến cuối ngày hôm nay (15-7), New Horizons sẽ gửi về thêm nhiều hình ảnh có độ phân giải cao chụp sao Diêm Vương khi nó bay qua.
Tuy nhiên, còn một trở ngại nữa là tàu New Horizons có khả năng bị phá hủy nếu va chạm phải các thiên thạch trong vành đai Kuiper. New Horizons bay với vận tốc 14 km/s sẽ là thảm họa nếu va phải các thiên thạch.