Nếu Hy Lạp vỡ nợ, điều gì sẽ xảy ra?

Thứ Tư, 15/07/2015 10:55  | Lê Linh

|

(CAO) Hôm nay (15-7) là ngày quan trọng đối với tương lai đất nước Hy Lạp.

Theo thỏa thuận đã đạt được trước đó với lãnh đạo các nước sử dụng đồng tiền euro (eurozone), để được quyền đàm phán về gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro trong vòng 3 năm, trước hết, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua gói cải cách bao gồm cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm chi tiêu... ngay trong ngày 15-7.

Nhiều ngân hàng phá sản nếu Hy Lạp vỡ nợ

Nếu Quốc hội Hy Lạp không thông qua gói cải cách này, Hy Lạp sẽ tiêu tan hy vọng về gói cứu trợ.

Không có tiền, Athens sẽ không thể trả khoản nợ 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào hạn ngày 20-7. Lúc này, xem như Hy Lạp chính thức vỡ nợ.

Người dân Hy Lạp biểu tình người phản đối thắt lưng buộc bụng tại lăng mộ chiến sĩ vô danh ở Athens ngày 13-7 - Ảnh: AP

Một khi Hy Lạp vỡ nợ, ECB sẽ thôi cung cấp "phao" cứu tiền mặt thông qua công cụ có tên gọi Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp. Nhờ ELA mà các ngân hàng Hy Lạp có thể hoạt động trong nhiều tháng qua.

Thiếu nguồn cung tiền mặt, các ngân hàng Hy Lạp sẽ không thể giữ các cam kết với khách hàng. Nhiều ngân hàng yếu sẽ phá sản. Các ngân hàng mạnh hơn có thể trụ lại được nhưng sẽ bị kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Trả lương và thanh toán bằng phiếu nợ

Một quốc gia vỡ nợ vẫn có thể trả lương cho công chức nhà nước và những người hưu trí cũng như thanh toán cho các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ khác bằng phiếu nợ IOU ("I owe you": Tôi nợ bạn).

Nhà nước có thể phát hành các phiếu nợ IOU bằng giấy hay dưới dạng điện tử như là lời cam kết sẽ trả nợ bằng tiền sau này.

Sinh viên Hy Lạp đốt cờ Liên minh châu Âu trong một cuộc biểu tình phản đối chính sách quản lý kinh tế "thắt lưng buộc bụng" trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp - Ảnh: Reuters

Phiếu nợ IOU có thể lưu hành như một loại tiền tệ thay thế đồng euro và sẽ dần được chấp nhận trong ngành kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, phiếu nợ này có thể mất giá nhanh chóng nếu như có sự nghi ngờ lớn về khả năng trả nợ của nhà nước.

Hy Lạp có thể tiếp tục sử dụng đồng euro cho dù Hy Lạp phải rời eurozone. Điều này cũng tương tự như việc nhiều nước sử dụng đồng USD như tiền tệ chính thức.

Athens cũng có thể sử dụng hệ thống tiền tệ kép, vừa sử dụng đồng euro vừa sử dụng phiếu nợ IOU hay đồng drachma (tiền tệ trước đây của Hy Lạp).

Người hưu trí nhận phiếu ưu tiên để vào rút một phần lương hạn chế tại một chi nhánh của Ngân hàng quốc gia Hy Lạp ở Athens ngày 13-7 - Ảnh: Reuters

Chấm dứt gói thắt lưng buộc bụng

Nếu không có gói cứu trợ nào nữa từ EU, Hy Lạp sẽ rời bỏ eurozone và có thể khôi phục đồng drachma để khởi động tăng trưởng kinh tế. Đó là lúc Hy Lạp có thể chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã bị người dân "ngán tận cổ". Chính phủ Hy Lạp có thể thuê thêm người lao động mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hy Lạp sẽ chuyển các món nợ bằng đồng euro sang đồng drachma, hạ tỷ giá đồng drachma với đồng euro để giúp giảm nợ, giảm chi phí xuất khẩu, thu hút thêm du khách đến Hy Lạp.

Tuy nhiên, các chủ nợ của Hy Lạp sẽ hứng chịu thêm thua lỗ nếu đồng drachma lao dốc.

Khi đồng drachma mất giá, lạm phát tăng cao khi chi phí nhập khẩu tăng vọt. Hy Lạp sẽ khó thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong tình thế bất ổn như vậy.

Các chủ nợ bị ảnh hưởng

Hy Lạp vỡ nợ sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng thanh toán của một số ngân hàng ở châu Âu đã cho Hy Lạp vay tiền, đặc biệt là các ngân hàng ở Pháp và Đức.

Các ngân hàng này và các nhà đầu tư cá nhân khác đang nắm giữ khoản nợ 34,1 tỷ euro của Hy Lạp. Trong khi đó, chính phủ các nước eurozone nắm giữ khoản nợ 52,9 tỷ euro của Hy Lạp. Ngoài ra, Hy Lạp còn nợ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (do các nước EU góp tiền vào) 131 tỷ euro.

Người dân Hy Lạp đã quá chán ngán với tình hình bế tắc của khủng hoảng nợ - Ảnh: Getty Images

Một số nước nước như Đức sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu Hy Lạp vỡ nợ. Đức nắm giữ phần lớn khoản nợ của Hy Lạp nhưng số nợ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong GDP nước Đức. Hơn nữa, phần lớn khoản nợ chưa đến hạn phải trả. Tuy nhiên, một nước khác sẽ khó khăn hơn nếu Hy Lạp vỡ nợ. Chẳng hạn Phần Lan sẽ bị tác động mạnh vì cho Hy Lạp vay 5 tỷ euro, tương đương 10% ngân sách hàng năm của Phần Lan.

Liệu hệ thống tài chính toàn cầu có đổ vỡ?

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ cách đây vài năm, nhiều chuyên gia lo ngại các vấn đề của Hy Lạp sẽ lan ra toàn cầu.

Họ cho rằng nếu Hy Lạp vỡ nợ và rút khỏi eurozone, điều này có thể gây ra những cú sốc trên thị trường tài chính toàn cầu mạnh hơn cả lúc tập đoàn tài chính Lehman Brothers (Mỹ) phá sản.

Tuy nhiên, giờ đây nhiều chuyên gia tin rằng nếu Hy Lạp rời eurozone, sẽ không có thảm họa tài chính nào xảy ra. Trong những năm qua, EU đã đặt các biện pháp phòng vệ để hạn chế lây lan rối loạn tài chính, không để các vấn đề của Hy Lạp lan sang các nước khác. Một số nước gặp khủng hoảng nợ ở châu Âu như Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha đã tiến hành nhiều biện pháp cải tổ nền kinh tế và sẽ ít bị "tổn thương" hơn trước nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ.

Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ của thị trường eurozone và sau khi rời eurozone, nước này có thể lấy lại sự tự chủ tài chính. Eurozone cũng sẽ tốt hơn nếu vắng bóng một thành viên mà lúc nào cũng cần hỗ trợ tài chính.

Hy Lạp có thể phải bán các đảo và di tích cổ đại để trả nợ

Chiến thắng của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7 có thể xem là một chiến thắng vô vị.

Theo lời kêu gọi của ông, đa số người dân Hy Lạp đã nói "không" với các điều kiện hà khắc của gói giải cứu Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra.

Thủ tướng Alexis Tsipras cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ giúp ông tăng thêm quyền mặc cả trên bàn đàm phán về gói giải cứu mới.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải nuốt "viên thuốc đắng" khi chấp nhận gói giải cứu mới với các điều kiện khắc nghiệt hơn - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các điều kiện trong thỏa thuận về gói giải cứu mà ông và các lãnh đạo eurozone nhất trí ngày 13-7 chẳng khác gì mấy so với gói giải cứu bị người dân phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý, thậm chí có phần khắc nghiệt hơn ở phần yêu cầu Hy Lạp thành lập quỹ trị giá 50 tỷ USD bằng cách bán tài sản nhà nước.

Phần lớn số tiền của quỹ này sẽ được dùng để trả nợ và tái cơ cấu vốn tại các ngân hàng Hy Lạp. Đây là "viên thuốc đắng" mà ông Alexis Tsipras buộc phải nuốt vì không còn cách nào khác.

Tạp chí kinh doanh Fortune (Mỹ) cho biết để huy động tiền mặt cho quỹ này, Hy Lạp có thể phải bán đấu giá các đảo, các khu bảo tồn tự nhiên, thậm chí cả những di tích cổ đại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang