Dân tộc Hy Lạp nói "KHÔNG“!

Thứ Hai, 06/07/2015 08:05  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Nhân dân Hy Lạp, cái nôi của hai chữ "Dân chủ" của thế giới, đã nói "KHÔNG" (OXI) chống lại những yêu sách của các chủ nợ. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 05-07-2015 đã đi vào lịch sử với 61,31% KHÔNG chấp nhận và 38,7 % CÓ (chấp nhận).

Hy Lạp đã trở thành một thí dụ điển hình trong lịch sử. Một quốc gia nhỏ, chỉ có 10 triệu dân, nhưng can đảm, vì họ biết phía trước là còn nhiều khó khăn.

Các con số của cuộc bầu cử được giữ bí mật cho đến hết thời gian mở cửa của phòng phiếu, không một tin tức nào lọt ra ngoài.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras tuyên bố yêu cầu tái lập các cuộc thương thuyết về nợ và giảm nợ

Sau khi các phòng phiếu đóng cửa, hơn 700 phóng viên báo chí và 100 nhiếp ảnh còn tụ tập trong trung tâm báo chí Zappeio Mansion. Nơi đây, vào năm 1979 thủ tướng Konstantinos Karamanlis đã ký hiệp ước liên kết rằng Hy Lạp sẽ được thâu nhập vào Liên Hiệp Kinh Tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, kể từ năm 1981.

Dân chúng theo dõi tin tức về cuộc trưng cầu dân ý ngoài trời qua các màn hình cực lớn

Trưa ngày 05-07-2015 vào 16 giờ tại Hy Lạp một tin rất mới được tung ra đã gây chú ý: người được lựa chọn để thay thế thủ tướng Tsipras lên nắm quyền là thống đốc ngân hàng quốc gia Hy Lạp Yannis Stournaras.

Nhiều người dân chờ đợi kết quả căng thẳng trước máy truyền hình trong nhà, nhưng một số người khác bắt đầu tụ tập tại quảng trường Klafthmonos tại Athen, để tham dự vào lễ chiến thắng của đảng Syriza.

Sau khi công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Athènes

Đúng 20 giờ tại Hy Lạp, bộ trưởng bộ quốc phòng Hy Lạp Panos Kammeros tuyên bố: "Dân tộc Hy Lạp đã chứng tỏ là dân tộc này không phục tùng một sự áp đặt đe dọa."

Theo luật pháp Hy Lạp thì một cuộc trưng cầu dân ý chỉ có hiệu lực pháp lý khi tỷ số tham dự bỏ phiếu lớn hơn 40%.

Kết quả đầu tiên cho thấy một tỷ số chênh lệch rõ ràng 60,3 % KHÔNG chấp nhận và 39,7% CÓ (chấp nhận) những yêu sách của các chủ nợ.

Đến 21.16 giờ tại Hy Lạp, các con số đã rõ ràng hơn: tỷ lệ tham dự là 59,22%, số phiếu chống OXI là 61,05%, số phiếu thuận NAI là 38,95%.

Người phát ngôn viên của chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis tuyên bố: "Yêu cầu của dân tộc Hy Lạp đã rõ... Thủ tướng Tsipras sẽ nhanh chóng thực hiện nguyện vọng của nhân dân Hy Lạp."

Tsipras tuyên bố yêu cầu tái lập lại thương thuyết về nợ và giảm nợ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hội kiến với tổng thống Pháp Hollande vào tối thứ hai 06-07-2015.

Thái độ của Đức, nay được mệnh danh là  "Người gác cổng của chính thống giáo tài chính của châu Âu" (gardien de l‘orthodoxie financière en Europe), là thái độ của một người thua cuộc xấu tính. Bộ trưởng bộ kinh tế Đức, Sigmar Gabriel (đảng Xã hội Đức), tuyên bố là một cuộc thương thuyết trở lại với Athènes là một điều "rất khó tưởng tượng".

Các đảng phái khác tuyên bố mạnh mẽ hơn. Ông Markus Ferber (đảng CSU) tuyên bố, đó là "một dấu hiệu rõ rệt, Hy Lạp không cần sự giúp đỡ của các chủ nợ...Điều may mắn duy nhất cho Hy Lạp hiện nay là rời khỏi khu vực đồng Euro...Sự kiện Hy Lạp ra khỏi khu vực Euro sẽ làm cho đồng EURO mạnh thêm lên."

Biểu ngữ chống đối tại Hy Lạp

Ông Alexander Graf Lamdorff (đảng FDP) còn rõ ràng hơn: "Thủ tướng Merkel và những người khác phải tổ chức ngay sự kiện GREXIT", lời tuyên bố này có nghĩa là không phải Hy Lạp "muốn" ra, là sẽ bị "đuổi" ra khỏi khối Liên minh châu Âu. Ông Lamdorff nói: "Khi các chủ nợ, BCE và IMF, ngưng tất cả các nguồn tiền cứu trợ thì chỉ trong vài ngày, chính phủ Hy Lạp phải sử dụng tiền tệ quốc gia mới, song song với số lượng tiền Euro (còn lại của Hy Lạp). Như thế sự ra khỏi khu vực đồng Euro xem như là đã được thực hiện. Khối CHÂU ÂU còn lại, sẽ chính thức chấm dứt liên kết với Hy Lạp."

Thủ lĩnh nhóm Euro-Groupe cũng không dấu sự tức giận, ông ta nói trong một ý đe dọa ngầm: "Kết quả này là một sự rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp. Để vực được kinh tế của Hy Lạp, những biện pháp khó và cải tổ là cần thiết. Chúng tôi chờ đợi những sáng kiến của cơ quan công quyền Hy Lạp."

Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã triệu tập hai bộ trưởng kinh tế và tài chính để nghiên cứu kết quả của Hy Lạp. Ông Rajoy phát biểu: "Sự kiện xảy ra ở Hy Lạp, có thể, không nghi ngờ, sẽ đụng đến Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác. Nhưng khả năng này yếu, nếu chúng tôi đã không có thực hiện cải tổ."

Tại Pháp, các chính khách cánh tả muốn tái lập thương thuyết với Hy Lạp.

Một tin mới khác được thông báo hôm nay, là chính phủ Hy Lạp đã tìm cách thương lượng với Thụy Sĩ để thu hồi những số tiền bị di chuyển từ Hy Lạp sang Thụy Sĩ một cách bất hợp pháp. Những cá nhân có tiền cất giấu ở Thụy Sĩ sẽ không bị phạt nếu họ tự ý công bố tài sản của họ và trả cho chính phủ Hy Lạp 21% tiền thuế. Một người đại diện cơ quan quốc tế của chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố "chúng tôi chào đón sự kiện chính phủ Hy Lạp đã đề nghị trước một giải pháp."

Đây là tương lai của Hy Lạp

Theo tờ NZZ ( Neue Zürcher Zeitung) thì số tiền chuyển ngân bất hợp pháp từ Hy Lạp có thể từ 2 tỷ đến 200 tỷ euros. Một phát ngôn viên của bộ tài chính Thụy Sĩ đã xác nhận là chính phủ Hy Lạp đã đưa ra một điều khoản thương lượng mới, nhưng không cho biết chi tiết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang