Những giờ phút trước kết quả trưng cầu dân ý Hy Lạp

Chủ Nhật, 05/07/2015 15:00  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Cả thế giới hôm nay ( 05-07-2015), nhìn về Hy Lạp. Cuộc trưng cầu dân ý lần cuối cùng tại Hy Lạp đã xảy ra cách đây 41 năm, vào năm 1974.

Danh sách cuộc bầu cử trưng cầu dân ý hôm nay gồm có 9.855.029 người dân Hy Lạp được bỏ phiếu. Có 19.159 phòng phiếu sẽ mở cửa tại nhiều nơi cho dân chúng bầu cử. Tuy nhiên một số người già than là họ không có phương tiện để tự đi đến phòng bỏ phiếu, nếu không có con cháu hay ai khác đưa đi hộ.

Các phòng phiếu mở cửa từ 07 giờ sáng ở Hy Lạp, (tức là 6 giờ sáng ở Pháp, giờ mùa hè, hay 11 giờ sáng ở Việt Nam cùng ngày) cho đến 19.00 giờ chiều ở Hy Lạp (tức là 18 giờ chiều ở Pháp, hay 23 giờ đêm ở Việt Nam cùng ngày).

Giờ thông báo kết quả cuộc trưng cầu dân ý sớm hay muộn tùy theo khoảng cách giữa "Có" hay "Không".

Tốn phí cho cuộc trưng cầu dân ý này lên đến 25 triệu euros, chỉ bằng một nửa tốn phí của cuộc bầu cử chính phủ mới (chính phủ Tsipras) vào ngày 25 tháng 1 vừa qua.

Câu hỏi đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý này hơi dài và khó. Khó là vì mỗi người đi bỏ phiếu đều phải thông hiểu tình hình, thông hiểu những yêu cấu của chủ nợ và nhất là phải hiểu và chấp nhận thực thi những biện pháp thực tế sau đó.

Câu hỏi đặt ra là - "Có phải chấp nhận phương án đồng ý đặt ra bởi khối Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (BCE) và Quỹ tiền tệ thế giới (FMI) trong buổi họp nhóm Euro-Groupe ngày 25-06 vừa qua, gồm có hai phần "Reforms for the completion of the current program and beyond" và "Preliminary debt sustainability analysis"?“

Hai khả năng trả lời là: không chấp nhận (KHÔNG) hay là chấp nhận (CÓ).

Hai câu trả lời này chia hai xã hội Hy Lạp, một bên là thành phần giàu có và trung lưu trưởng giả, ít bị đụng chạm và khả năng tiêu thụ của họ vẫn cao, bảo đảm, và bên kia là thành phần những người già, người về hưu, người thất nghiệp, người lao động, công nhân, nhân viên hạng thấp, người buôn bán nhỏ lẻ...thu nhập thấp hơn nhưng lại bị bóc lột nhiều hơn, phải chịu gánh nặng trả nợ cho chính phủ lớn hơn.

Hình ảnh một người đàn ông già Hy Lạp ngồi bệt xuống đất khóc trước một nhà băng đóng cửa, vì ông không biết đi đâu để tìm ra một nhà băng mở cửa phát lương hưu, đã làm nổi sóng gió trên cộng đồng mạng.

Trên phương diện chính trị, tất nhiên câu hỏi này cũng chia Hy Lạp ra làm hai phe, phe chống nói KHÔNG (tiếng Hy Lạp là OXI) gồm có đảng cánh tả Syriza của thủ tướng Alexis Tsipras, đảng cánh hữu độc lập ANEL và đảng cực hữu Aube Dorée. Trong khi phe thuận nói CÓ (tiếng Hy Lạp là NAI) gồm có các đảng đối lập như Nouvelle Democratie (cánh hữu), Pasok (trung lập) và To Potami (trung lập). Đảng Cộng sản Hy Lạp kêu gọi bỏ phiếu trắng.

Lá phiếu trưng cầu dân ý của Hy Lạp ngày 05-07-2015: OXI có nghĩa là không chấp nhận, NAI có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của chủ nợ

Các chủ nợ, tức là các ngân hàng và khối Liên minh châu Âu tất nhiên là kêu gọi bỏ phiếu thuận.

Nếu con số phiếu thuận "CÓ", tức là chấp nhận các yêu sách của chủ nợ, cao hơn phiếu chống thì hậu quả đã rõ ràng: bộ trưởng bộ tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis sẽ từ chức ngay tức khắc, và trong vòng 30 ngày sẽ lại có một cuộc bầu cử quốc hội mới và chính phủ mới.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại thủ đô Athènes vào lúc 9.30 sáng (giờ Hy Lạp). Đám đông người đi bỏ phiếu hò hét " OXI; OXI" (Không ! Không !). 

Thủ tướng Tsipras tuyên bố sau khi bỏ phiếu: "Không ai có thể làm ngơ trước sự khẳng định của một dân tộc". Tình hình hiện trạng ngày hôm nay của Hy Lạp không phải do chính phủ Tsipras gây ra.

Ai chịu trách nhiệm về việc đưa Hy Lạp gia nhập khối Liên minh châu Âu và khu vực đồng Euro khi kinh tế Hy Lạp chưa đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu?

Ai đã giả mạo các ngân sách của Hy Lạp với sự đồng lõa của ngân hàng tư nhân Mỹ Goldman Sachs?

Ai đã đặt ra phương án "cứu trợ" Hy Lạp, dẫn đầu bởi thủ tướng Đức và tổng thống Pháp năm 2010, để dùng tiền "cứu trợ" của ngân hàng này để trả cho ngân hàng kia?

Ai đã áp đặt lên Hy Lạp những yêu cầu vì nợ làm cho kinh tế Hy Lạp suy sụp ? Nếu không phải đó là những chuyên gia kinh tế của FMI đã nhầm lẫn trầm trọng?

Tại sao không ai đòi giảm thiểu ngân sách quốc phòng của Hy Lạp, đòi tăng mức thu thuế của những tỷ phú hàng hải giảm, giảm thu nhập của Nhà thờ Chính thống giáo ? Trong khi đòi cắt giảm lương hưu đến mức tối đa?

Tấm ảnh một bà cụ già nua, nhỏ bé, bị đám đông chèn ép, khi phải xếp hàng trước nhà băng để lãnh tiền hưu trí. Chưa khi nào hình ảnh "nhà băng", vừa chứng tỏ thế lực của TIỀN trên mạng sống của dân chúng, vừa bị dân chúng oán ghét thậm tệ như ngày hôm nay, lại tiêu cực đến thế

Ngày 30-06-2015,  Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, đã cảnh cáo chính phủ Hy Lạp Tsiprias là không được cắt giảm ngân sách quốc phòng của Hy Lạp (2% của PIB, tổng sản lượng quốc dân) và phải thực hiện các điều kiện đã cam kết với khối NATO.

Các tướng lĩnh trong quân đội Hy Lạp cũng đang xôn xao vì nguồn tin chính phủ Hy Lạp sẽ phải cắt giảm 200 triệu euros của ngân sách quốc phòng trong năm 2016 để trả nợ. Năm 2013, ngân sách quốc phòng do việc mua sắm nhiều vũ khí đã phồng lên đến 4 tỷ euros, một con số rất lớn so với khả năng của Hy Lạp và so với các nước châu Âu.

Vì thế, nên một lo sợ khác, với một câu hỏi mới đã được đặt ra: Liệu sẽ có đảo chính quân đội tại Hy Lạp trong một tương lai rất gần?

Diễn binh với đoàn xe tăng của quân đội Hy Lạp trước tòa nhà quốc hội Hy Lạp
Quân đội Hy Lạp mua sắm khá nhiều vũ khí tối tân tốn phí hàng tỷ và có bổn phận đóng góp trong khối NATO

 Trong lịch sử Hy Lạp, cũng trong một giai đoạn xáo trộn chính trị, các tướng lĩnh quân đội đã thực hiện một cuộc đảo chính vào ngày 21-04-1967, rồi nắm quyền lực trong suốt 7 năm, cho đến năm 1974. Câu hỏi về sự tham dự của Mỹ và CIA trong giai đoạn đẫm máu này của chế độ quân đội độc tài tại Hy Lạp đã được nhiều nhà sử học mổ xẻ.

Các tướng lĩnh quân đội Hy Lạp đã đảo chính ngày 21-04-1967, thành lập chính phủ quân đội độc tài kéo dài cho đến năm 1974.

Thế hệ người dân Hy Lạp đã trải qua giai đoạn nói trên vẫn còn sống và chưa quên những kỷ niệm kinh hoàng cũ. Năm 1974 là lần trưng cầu dân ý của Hy Lạp đã đưa nước này về lại một chính thể dân chủ.

Tuy nhiên, để trấn an dân chúng, các nhà bình luận cho rằng, trong thời đại hiện tại, một cuộc đảo chính quân sự khó có thể xáy ra.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang bị chỉ trích khá nặng nề về chiến lược chính trị của bà trong vấn đề Hy Lạp. Một số bình luận cho rằng, bà đã để cho những cuộc tranh cãi gay gắt, chỉ mặt điểm tên, kéo dài quá lâu, làm cho không khí chính trị ngày càng bị hâm nóng thêm, và thái độ cứng rắn của bà chứng tỏ bà đã bỏ rơi Hy Lạp – vì kinh tế - mà không nhận thấy hậu quả về tinh thần và chính trị của hình ảnh một châu Âu – chỉ vì tiền và lời lãi ! Hình ảnh một châu Âu đang trên nguy cơ tan rã, sẽ làm tiêu hủy luôn cả sự nghiệp chính trị của Angela Merkel, người đang được nêu danh là  "Die Trümmerfrau" - người phụ nữ trên đống đổ nát - một hình ảnh nhắc lại thời Đệ nhị thế chiến.

Trang bìa của tạp chí Der Spiegel số ra ngày 04-07-2015 "Die Trümmerfrau" - Nếu đồng Euro thất bại, thì sự nghiệp thủ tướng của bà Merkel thất bại

Cuối cùng, để lung lạc tinh thần dân chúng Hy Lạp, báo chí, truyền thông đã "báo trước" là đa số dân chúng Hy Lạp sẽ bỏ phiếu thuận cho những yêu sách của chủ nợ, để được ở lại trong khu vực đồng Euro.

(Báo CATP Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang