Hậu quả của Hy Lạp vỡ nợ trên thị trường châu Âu

Thứ Tư, 01/07/2015 10:26  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Sáng ngày 30-06-2015, Thủ tướng Tsipras tuyên bố sẽ không trả khoản nợ 1,6 tỷ euros. Đúng 12 giờ đêm ngày 30-06, tại Hy Lạp (6 giờ sáng ngày 01-07, giờ Việt Nam) với tuyên bố trên là Hy Lạp vỡ nợ, và được ghi vào danh sách những quốc gia không trả được nợ đúng hẹn như trường hợp của các nước Somalia, Sudan, Simbabwe...

Tổng cộng cho đến năm 2054 Hy Lạp phải trả lại 284 tỷ euro. Đến ngày Chủ nhật, 05-07-2015, dân chúng Hy Lạp sẽ trả lời chấp nhận hay không chấp nhận những đòi hỏi của chủ nợ và khối Liên minh châu Âu.

Các nhà băng và thị trường chứng khoán Hy Lạp đóng cửa đến hết ngày 06-07-2015

Trên thực tế Hy Lạp nợ Quỹ tiền tệ quốc tế FMI một số tiền là 21 tỷ euros, nên con số này tạm thời được xem là bị "khất nợ" thêm lâu. Nhưng FMI có lẽ sẽ không "leo thang chiến tranh" để loại Hy Lạp ra khỏi Quỹ tiền tệ thế giới mà họ sẽ chờ xem sự phát triển của tình hình chính trị tại Hy Lạp.

Cũng như thế, Quỹ cứu trợ châu Âu (ESFS) có thể đòi Hy Lạp trả lại 130 tỷ euros đã cho Hy Lạp vay mượn, một khi đất nước này đã không trả các khoản nợ đúng thời hạn cho FMI. Nhưng người ta không nghĩ là quỹ này sẽ gây thêm áp lực lên Hy Lạp.

Các công ty đánh giá tài chính thế giới (rating agency) như Moody‘s và Standard&Poor‘s cũng chưa muốn "hạ giá" Hy Lạp một cách thê thảm, vì cho đến giờ vấn đề còn nằm trong khoảng nợ công của Hy Lạp đổi với các chủ nợ "công", tức là các tổ chức tiền tệ thế giới của nhiều quốc gia, chỉ khi nào Hy Lạp không trả (thêm) được nợ vay của các ngân hàng tư nhân thì khi ấy Hy Lạp mới vỡ nợ hoàn toàn.

Dân chúng Hy Lạp còng lưng dưới khối nợ 317 tỷ euros và dưới sức ép của ba chủ nợ FMI, BCE và nhóm Euro-Groupe

Cuộc đấu tranh gay go vì "tiền" này giữa Hy Lạp và "bộ ba" (Troika) FMI, BCE và nhóm Euro-groupe, bị xoắn vào chữ "tiền" là trên hết, đi vào cơn lốc căng thẳng ngày càng lên cao. Trong khi đó, ít ai chú ý đến một cách nhìn khác, mà chính thủ tướng Hy Lạp, cuối cùng, đã nói lên trong bài diễn văn tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý của Hy Lạp, đó là sĩ diện của cả một quốc gia, một dân tộc bị chà đạp vì nợ.

Hy Lạp xuất cảng nguyên liệu kỹ nghệ (20%), thực phẩm và thú vật chăn nuôi (18%), chất hóa học (14,5%) sang các nước lân cận như Đức, Ý, Chypre, Bulgarie, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkie) và Anh quốc.

Ngày 30-06-2015 dân chúng Hy Lạp phải trả 1,5 tỷ euros cho FMI, ngày 20-07-2015 trả 3,45 tỷ cho BCE, ngày 20-08-2015 trả 3,2 tỷ euro cho BCE

Hy Lạp nhập cảng máy móc và phương tiện chuyên chở, chất đốt và dầu máy, và chất hóa học từ Đức, Ý, Nga, Trung Hoa, Hòa Lan và Pháp.

Nhưng dân số Hy Lạp, tức là thị trường tiêu thụ của Hy Lạp quá ít, chỉ có 11 triệu người, bằng dân số của thành phố Paris hay thành phố Hồ Chí Minh, nên hệ lụy, ảnh hưởng kinh tế của Hy Lạp lên thị trường châu Âu là không lớn.

Sở dĩ vấn đề Hy Lạp nổi lên hàng đầu ở châu Âu có lẽ vì trọng tâm chiến lược quân sự của Hy Lạp. Các quốc gia châu Âu vừa đánh, vừa đạp, vừa sỉ nhục Hy Lạp vì Hy Lạp bị trói buộc bằng chính nợ công của mình, sợi dây „liên kết“ là nợ, là tiền.

Nhưng họ có nhớ là trong năm 2012, danh sách mua sắm vũ khí của chính phủ Hy Lạp gồm có 60 máy bay chiến đấu Eurofighter trị giá 3,9 tỷ euros, chiến thuyền Pháp trị giá 4 tỷ euros, tàu tuần tra 400 triệu euros, 2 chiến hạm ngầm của Đức trị giá 2 tỷ euros và xe tăng Leopard của Đức, trực thăng Apache của Mỹ...? Ai là kẻ thụ hưởng những món nợ công của Hy Lạp?

Hàng ngàn dân chúng biểu tình ủng hộ chính phủ Tsipras tại Athènes

Sự rối rắm, ồn ào về nợ đã khiến cho người ta "quên" là Hy Lạp có một lợi thế chiến lược quân sự về chính trị địa lý rất rõ ràng. Hy Lạp ngả về bên Đông hay bên Tây là có lợi cho bên ấy. 

Khối nợ công của Hy Lạp so với khối nợ của những nước khác thì còn là "nhỏ“, nhưng quan trọng hơn cả đồng tiền trước mắt, là mối dây liên kết châu Âu ngày càng bị lỏng lẻo ra, hay được thắt chặt thêm lại. Đó mới là nỗi lo chính yếu của khối Liên minh châu Âu.

Gay gắt đối với Hy Lạp. Thủ lĩnh của nhóm Euro-Groupe, ông Jeroen Dijsselbloem, bộ trưởng bộ tài chính Hà Lan

Từ nhiều tháng qua, những cuộc thảo luận gay gắt, chỉ mặt điểm tên vì tiền, nhưng thực chất là dậm chân tại chỗ, không giải quyết được gốc rễ của khối nợ công của Hy Lạp là những "kịch bản" sai lầm.

Kịch bản kế tiếp sẽ là cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp vào ngày 05-07-2015, nếu dân chúng Hy Lạp tỉnh táo và khôn ngoan thì họ sẽ đoàn kết để tự tạo sức mạnh trên bàn thương thuyết với chủ nợ. Bằng không, chỉ cần sau một thời gian ngắn nữa thôi, tình trạng không trả được nợ lại cứ tiếp tục tái diễn đi tái diễn lại, vì không ai bóp nghẹt kinh tế để vực lại được kinh tế, một điều hoàn toàn mâu thuẫn.

Lịch sử của Hy Lạp có từ 3.200 năm trước Thiên chúa giáng sinh. Hiện nay, khẩu hiệu quốc gia của Hy Lạp vẫn là  "Tự Do hay là cái Chết" (Elefthería i thánatos)

Chữ "Không" viết bằng tiếng Đức, và dấu hiệu đồng euro ở giữa, ngụ ý chỉ sự can thiệp của Đức

Dân tộc Đức cũng có một câu châm ngôn rất hay: "Chẳng thà một kết thúc với một sự kinh hoàng hơn là sự kinh hoàng không có kết thúc".

Hy Lạp là một quốc gia có nguồn văn hóa rất cổ tại châu Âu, là một trong những cái nôi triết học về lý tưởng Dân chủ và Tự do. Các câu chuyện thần thoại Hy Lạp ghi đậm dấu ấn trong văn hóa châu Âu. Trong ngôn ngữ của nhiều quốc gia châu Âu có nhiều từ ngữ nguồn gốc Hy Lạp.

Chỉ số của Human Development Index (Phát triển Nhân loại) xếp Hy Lạp vào hàng xã hội phát triển rất cao. Trong thế kỷ thứ 21, Hy Lạp là thành viên của Liên Hiệp Quốc, OECD, NATO, OE và Hội đồng cố vấn châu Âu.

Vị trí địa lý của Hy Lạp nằm ở phía đông-nam châu Âu trên vùng biển Địa Trung Hải, gồm có phần đất liền và nhiều đảo trên biển, trong số này có 169 đảo có dân cư sinh sống, tổng cộng là 131.957 cây số vuông.

Hy Lạp nằm ngay giữa hai thềm lục địa của châu Phi và thềm lục địa Âu Á, nên địa hình hiểm trở, hàng năm đều có biến chuyển địa lý. Điểm núi cao nhất của Hy Lạp là ngọn Olympe cao 2.917 mét. Hy Lạp là quê hương phát sinh ra Thế Vận Hội (Jeux Olympiques) thể thao.

Ở phía Bắc, Hy Lạp tiếp giáp với ba nước Albanie, Mazedonie, Bulgarie và một phần của Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông cách nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie) bởi biển Égée, cũng như có các biên giới biển với các nước chung quanh như Albanie, Ý (Italie), Libie, Ai Cập.

Dân số Hy Lạp gồm có khoảng 11 triệu người, gồm có người Hy Lạp (97,4%), 11 nhóm dân tộc thiểu số, và dân di tản, tỵ nạn, nhập cư đến từ 13 quốc gia khác, nhưng chưa kể đến các thành phần dân chúng di tản bất hợp pháp.

Thế mạnh của Hy Lạp còn là dầu hỏa và khí đốt.

Về nông phẩm thì Hy Lạp xuất cảng rượu vang, thuốc lá và ô liu. Họ trồng nhiều lúa mì, bắp, lúa mạch, đậu xanh, bưởi, trái bơ (avocado), măng tây, chăn nuôi dê, cừu, và thu hoạch nhiều nhất bởi nghề đánh cá biển.

Hy Lạp có kỹ nghệ nhẹ phát triển như chế biến thực phẩm, dệt, sản phẩm từ kim loại, dầu hỏa, than đá, chất hóa học, thủy tinh, xi măng, máy móc và các loại công nghệ thông tin.

Ngành du lịch của Hy Lạp rất phát triển, mỗi năm có hơn 16 triệu du khách đem đến một thu nhập khoảng 15 tỷ đô la Mỹ, nhưng đem lại nhiều thu nhập hơn nữa cho kinh tế Hy Lạp là ngành hàng hải. Thế giới còn chưa quên ông tỷ phú Hy Lạp Aristoteles Onassis đã cưới bà Jackie Kennedy, vợ góa của tổng thống Mỹ J.F.Kennedy, vào năm 1968.

Bình luận (0)

Lên đầu trang