Liệu thần Zeus có cứu nổi Hy Lạp?

Chủ Nhật, 05/07/2015 15:43  | Lữ Khách

|

(CAO) Sau một thời gian lắng dịu, màn bi kịch ”Khủng hoảng đồng Euro”lại bùng lên,”hộ nghèo đói” Hy Lạp thủ vai chính. Khi hồi chuông đồng hồ Big Ben báo hiệu 22 giờ ngày 30/6/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác nhận Hy Lạp đã không trả đúng hạn khoản vay 1,6 tỷ euro, trở thành vụ bội ước lớn nhất trong lịch sử IMF, trên thực tế Hy Lạp đã lâm vào cảnh phá sản. Tai sao nước văn minh cổ như Hy Lạp lại đến nông nỗi này?

Con lạc đà lọt qua lỗ chôn kim như thế nào?

Mọi bí mật nằm ở số nhà 85 đường Broadway, quận Manhattan, New York, Mỹ - một ngôi nhà ngoài biển số nhà và lá cờ Sao và Vạch ra không có một tiêu chí nào khác, khách cũng vắng tanh

Tập đoàn Goldman Sachs(GS) đóng ở số 85 đường Broadway

Năm 2001, lúc Hy Lạp muốn gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu(Eurozone), nhưng lại vướng phải những quy định ngặt nghèo của hiệp ước Maastricht năm 1992. Theo đó, nước nào muốn gia nhập Eurozone, bội chi ngân sách không được quá 3% GDP, nợ nước ngoài không được quá 60%GDP, mà lúc đó, bội chi ngân sách Hy Lạp đã lên tới 10%GDP. Con lạc đà làm sao để chui qua lỗ chôn kim dưới những cặp mắt cú vọ của các chuyên gia tài chánh hàng đầu của Liên minh Châu Âu(EU)? Đúng vào lúc đó, bên kia bờ Đại Tây Dương đã có một”bóng hồng”kịp thời xuất hiện.

Tập đoàn Goldman Sachs(GS) đóng ở số 85 đường Broadway nói trên đã cử một chuyên gia cao cấp, bà Antigone Loudiadis tới thủ đô Athens thiết kế một quy trình”đảo nợ”(Finacial swap)độc đáo giúp chính phủ Hy Lạp đạt được ước nguyện. Bà là người Anh gốc Hy lạp, nên dễ dàng được Athens tin cậy. Quy trình đó hết sức phức tạp và được tiến hành bí mật, có thể tóm tắt như sau: Chính phủ Hy Lạp phát hành thêm 10 tỷ€(euro)trái phiếu, theo tỷ giá hối đoái lúc bấy giờ tương đương 11 tỷ USD, GS nhận mua hết theo một tỷ giá”ưu đãi”thành 12 tỷ USD.

Như vây, chính phủ Hy Lạp tuy mắc thêm nợ 10 tỷ€, nhưng lại dôi ra 1 tỷ USD có thể sử dụng ngay được. Quy trình khép kín trên đã hoàn toàn ẩn giấu mối quan hệ vay mượn, giảm bội chi của chính phủ Hy Lạp từ 10%GDP xuống còn 1,5%, con lạc đà đã chui lọt lỗ chôn kim như thế đó. Hy Lạp nhờ "phù phép" của phù thủy cao tay GS, đã gia nhập dễ dàng khối Eurozone năm 2001.

Trên đời làm gì có chiếc bánh từ trên trời rơi xuống, qua vụ này, chính phủ Hy Lạp đã phải trả cho GS tiền huê hồng cao ngất 300 triệu USD và mắc nợ thêm các ông chủ phố Wall 11 tỷ USD. GS dường như đã thấy trước viễn cảnh ảm đạm của món nợ này, nên đã mua bảo hiểm CDS từ một hãng bảo hiểm Đức, nếu xẩy ra rủi ro, hãng bảo hiểm phải bồi thường 11 tỷ USD cho GS.

Vụ”giao dịch đen”nói trên đầu năm 2009 mới được báo chí lôi ra ánh sáng, sự việc bại lộ, thủ tướng Hy Lạp lúc đó Papandreou dọa sẽ kiện GS, nhưng”con kiến mày kiện củ khoai”, với kinh nghiệm hằng trăm năm, mọi thủ tục của GS đều thực hiện rất kín kẽ, không chút sơ hở nào!

Xứ sở của các vị thần rồi sẽ đi về đâu?

Năm 2004, Hy Lạp đã chi 9 tỷ euro để tổ chức Olympic, trở thành kỳ Thế vận hội đắt đỏ nhất. Chính phủ Hy Lạp đã không khai thác thương mại, nên đã trở thành giọt nước làm tràn ly, đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng,

Năm 2009, bộ trưởng tài chánh Hy Lạp cảnh báo thâm hụt tài chánh nước này có thể lên đến 12,5%GDP. Tiếp theo, các hãng đánh giá tín dụng Fitch và S&P đồng loạt đánh tụt mức đô tín dung của Hy Lạp từ A- xuống BBB+, đây là lần đầu tiên, một nước Eurozone bị đánh bật khỏi nhóm A.

Các cường quốc phương Tây không ai muốn thấy Hy Lạp sụp đổ, nên đã giảm nợ 50% và thông qua 2 gói cứu trợ đến nay tổng trị giá đã lên đến 240 tỷ €.

Dưới bối cảnh nợ nần chồng chất, thuế thu nhập lên đến 45%, tỷ lệ thất nghiệp 26,5%, tháng 1/2015, đảng cực tả phản đối gói cứu trợ do ông Alexis Tsipras cầm đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội. Chính phủ Tsipras cam kết gỡ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang đè nặng lên đầu nhân dân Hy Lâp.

Tháng 2/2015, nhóm bộ trưởng tài chánh khối Eurozone chấp thuận gia hạn thêm 4 tháng cho Hy Lạp. Chính phủ mới vẫn nộp đơn đề xuất cải tổ ngay trước hạn chót 30/6 gồm kiểm soát chi tiêu công, giảm tham nhũng và trốn thuế. Tuy vậy, họ đã không làm đúng điều cam kết.

Đang đàm phán giằng co, bất ngờ ngày 27/6, thủ tướng Tsipras đột nhiên kêu gọi trưng cầu ý dân vào ngày 5/7, Eurogroup đã ngừng bàn kế hoạch gia hạn gói cứu trợ thêm 1 tháng mà Athens đề xuất

Ông Tsipras thề thốt không chịu khuất phục, kêu gọi dân chúng bỏ phiếu chống lại kế hoạch cứu trợ, thì đột nhiên đêm 30/6 ông đã gửi công hàm đến các nước chủ nợ, đồng ý các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 30 tỷ € từ nay cho đến hết năm 2017. Bà Merkel, thủ tướng Đức đã hết kiên nhẫn với thái độ phản trắc của vị thủ tướng đậm màu sắc Dân túy của Hy Lạp. Trong nhóm tài trợ, Đức có tiếng nói quyết định, nên mọi cuộc thương lượng đành phải gác lại, chờ đến sau ngày 5/7 với điều kiện dân chúng bỏ phiếu tán thành.

Ông Tsipras đã đá trái banh trở lại cho nhân dân Hy Lạp. Nếu qua cuộc trưng cầu dân ý, dân chúng nói "có", ông sẽ quay lại bàn đàm phán một cách "vinh quang" mà không mang tiếng vi phạm cam kết trong cuộc bầu cử; nếu dân chúng nói "không" với gói tài trợ như ông gợi ý, Hy Lạp sẽ rút khỏi (hoặc bị trục xuất) khu vực đồng euro, vốn nước ngoài sẽ ào ào rút lui, quốc khố trống rỗng, chính phủ không còn khả năng chi trả hằng ngày, chủ quyền quốc gia sẽ mất, phải tăng thuế và giảm mọi chi tiêu công, chịu sự giám sát của IMF, thương nghị lại với các nước chủ nợ kéo dài thời gian trả nợ thêm 20, 30 hoặc 40 năm…

Hy Lạp hiện nay sống qua ngày nhờ vay nặng lãi:Tiền vay kỳ hạn 10 năm với lãi suất 8,7% năm, kỳ hạn 2 năm lãi suất vượt 10% năm. Sang đầu năm 2015, nợ của Hy Lạp đã lên tới 300 tỷ€, bội chi ngân sách lên đến 12,7%, nợ công bằng 170% GDP, số tiền vay được chỉ đủ trả lãi và nợ đáo hạn. Chìm đắm trong biển nợ như vậy, chỉ có phép màu của thần Zues may ra mới cứu vãn nổi!

Các”hiệp sỹ” hào phóng ra tay

Hy Lạp hy vọng đến giữa tháng 5, có thể nhận được gói tài trợ thứ 3 đã hứa, nhưng từ hứa hẹn đến giải ngân được còn là quãng đường xa, muốn sử dụng đồng tiền của người nộp thuế, chính phủ các nước đều phải vượt qua rào cản chuẩn chi của quốc hội nước mình.

Ngay từ đầu, bà Markel, thủ tướng Đức tỏ ra thờ ơ. Nước Đức là nền kinh tế lớn nhất trong khối Eurozone, đóng góp 28% tổng số gói viện trợ, kế hoặch giải cứu đồ sộ có nguy cơ bị chiết yểu trong trứng nước nếu bị quốc hội Đức phủ quyết. Có thể người Đức cho rằng con thuyền Hy Lạp trước sau cũng sẽ chìm, thà để số tiền trên tự cứu còn thiết thực hơn.

Dân tộc Nhật-Nhĩ-Man vốn có cá tính nói thẳng nói thật, không tha thứ hành động làm giả của Hy Lạp, họ cho rằng Hy Lạp lâm vào bi kịch hôm nay là do họ tự chuốc lấy, không đáng để người Đức đóng vai anh hùng Prometheus rồi tự mình bị cột trên đỉnh núi Olympia!

Người Đức không phải thấy chết không cứu, mà có nỗi khổ tâm của họ. Số tiền người Hy Lạp cần không chỉ là 30 tỷ€, mà là gấp 3, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần. Những khoản tiền Hy Lạp phải trả trước năm 2015 sẽ lên tới 150 tỷ, kèm thêm tiền lãi 90 tỷ, còn chưa tính đến tiền vốn và lãi phát sinh của các khoản vay mới!

Nước văn minh nhỏ bé bên bờ Địa Trung Hải này đang bị các khoản cho vay nặng lãi và tiền bảo hiểm bội ước CDS gặm dần từng mảnh. Chủ nợ không ai khác, chính là những nhà tài phiệt phố Wall. Với một tương lai đen tối như vậy, người Đức vốn rất thực tế, không có lý do gì ôm rơm đi chữa cháy, trở thành kẻ chết thay.

Lúc này, người Anh chắc đang hý hửng, vì đã”sáng suốt”không tham gia khu vực đồng euro, nay đứng bên kia bờ eo biển England xem láng giềng chữa cháy.

Người xưa có câu:”Muốn được trời cứu, trước tiên phải tự cứu”.

Hy Lạp vốn là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, lại là nước tiêu thụ xe Mercedes nhiều nhất. Nền kinh tế nhỏ bé này có quá nhiều nhược điểm bẩm sinh: Tệ tham nhũng hoành hành, kinh tế ”ngầm” chiếm 25-30% GDP, gây ra thất thu thuế, bộ máy công quyền chiếm đến 10% dân số…

Đôi điều cảm nghĩ: Từ năm 1998, giáo sư Noriel Roubini(Đại học Boston, Mỹ)đã tiên đoán chính xác cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp vào cuối năm 2009, nhưng thiên hạ vốn quen”nước đến chân mới nhẩy”, có ai thèm lưu ý đến lời dự đoán của nhà bác học lỗi lạc này. Đồng hồ nợ công toàn cầu của Economist cho thấy tính đến ngày 1/7/2015, nợ công của Việt Nam ở mức 90,4 tỷ USD, chiếm 46,4% GDP, còn trong ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế là 65% GDP. Tập đoàn GS vốn có rất nhiều dây mơ rễ má với chính quyền, chủ tịch GS thường là bộ trưởng tài chánh Mỹ mãn nhiệm kỳ. Muốn biết được những mánh lới trong nội bộ giới tài phiệt Mỹ, cần phải trui rèn qua năm tháng. Đối với ta, hãy tránh xa cái vòi bạch tuộc của GS thì hơn!

Bình luận (0)

Lên đầu trang