(CATP) Nhiều người cho rằng, chúng ta phải cảm ơn người dân Hy Lạp vì đã cho thế giới một bài học cơ bản về những đau đớn mà kinh tế thế giới đã trải qua.
Vấn đề trung tâm của Hy Lạp là có quá nhiều nợ và quá ít tăng trưởng kinh tế (thực tế là không có tăng trưởng) để trả nợ. Nước này đang lâm vào tình cảnh không có lối thoát kinh tế. Athens không thể có tăng trưởng nếu không chi tiêu nhiều hơn hoặc đánh thuế ít hơn, nhưng điều đó lại càng khiến mắc nợ nhiều hơn.
Trong khi đó các chủ nợ lại yêu cầu quốc gia này kiểm soát nợ bằng cách chi ít hơn và đánh thuế nhiều hơn, điều này sẽ làm suy yếu tăng trưởng.
Nếu có một lối thoát tránh khỏi thế tiến thoái lưỡng nan này, Hy Lạp hẳn sẽ chộp lấy nó. Nhưng có điều quan trọng cần lưu ý là hiện có nhiều quốc gia có tình thế khó khăn gần giống Hy Lạp, mặc dù không bi đát bằng, bao gồm cả Mỹ, Nhật, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác.
Mối lo sợ lớn nhất châu Á không phải chuyện Hy Lạp, mà là “bong bóng” chứng khoán Trung Quốc
Để giảm hay ổn định các mức nợ công cao của mình, họ đương đầu với những mâu thuẫn khó chữa tương tự. Nỗ lực kiểm soát nợ thông qua đánh thuế cao hơn hay hạ thấp chi tiêu làm yếu đi tăng trưởng kinh tế và với mức tăng trưởng yếu hơn - ngoài những hậu quả xã hội - càng làm tăng nợ. Đây là tình hình chung hiện nay trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các mức nợ công đang lan rộng. Năm 2014, tổng nợ của Italy 132% GDP, của Nhật là 246% GDP, của Pháp là 95% GDP và của Mỹ là 105% GDP. Nợ cao, tăng trưởng kinh tế chậm, càng khiến việc trả nợ khó hơn và nợ sẽ tiếp tục tăng, đó là vòng luẩn quẩn hiện nay ở nhiều nước.
Theo IMF, từ năm 1997 đến 2006, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt trung bình 3,3% hằng năm, từ 2010 đến 2014 mức tăng trung bình hằng năm giảm còn 2,2%. Đối với khu vực đồng euro cùng các kỳ tương ứng, con số này là 2,3% và 0,6%. Ngay cả Trung Quốc tăng trưởng cũng đã chậm lại, mặc dù Nhật Bản vẫn giữ được tốc độ cũ.
Các xã hội phát triển nhất còn đối mặt với vấn đề khó khắc phục nữa là dân số già hóa. Ở Mỹ hiện nay số dân trên 65 tuổi chiếm 15% tổng số, con số này ở Đức là 22% và ở Nhật là 27% (trích số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Khi càng có nhiều người đủ tư cách nhận tiền trợ cấp, sức ép gắn liền với nó là chi tiêu chính phủ phải cao hơn, dẫn đến thâm hụt ngân sách và nợ lại tăng.
Như Robert J.Samuelson của Washington Post nói: “Những gì chúng ta có hiện nay là một cái bẫy nợ toàn cầu”. Nợ cao cộng với tăng trưởng kinh tế thấp vốn đã là yếu tố bất ổn, giờ có rất ít cách để xoay xở. Nếu tất cả các nước có nợ công cao cùng một lúc cố giảm chúng bằng cách giảm chi tiêu và tăng thuế, thì hiệu quả gộp lại sẽ thảm khốc vì sức mua toàn cầu sẽ lao dốc.
Mặt khác, kinh tế tăng trưởng chậm hơn, khiến các nước càng khó trả nợ, trong khi nó vẫn tăng. Theo Viện Toàn cầu McKinsey, từ năm 2007 đến 2014, nợ công toàn cầu đã tăng lên 25 ngàn tỷ đôla. Hiện chưa rõ mức tăng này tiếp tục bao lâu, nhưng dù chỉ một nỗ lực ngăn chặn đà tăng của chúng cũng có thể bị nhấn chìm bởi sự phản đối từ những người về hưu và sắp về hưu.
Trừ Hy Lạp, giờ không còn lựa chọn nào tốt, các chuyên gia cho rằng, lúc này những gì có thể làm để cho gánh nợ vơi đi là hạ bớt các mức lãi suất để khích lệ tinh thần của các nhà đầu tư. Nếu vì lý do nào đó mà lãi suất lại tăng lên - hoặc các nhà đầu tư nản lòng - sự cân bằng hiện hữu có thể sụp đổ. Các chính phủ có thể đối mặt với những tổn thất cực kỳ cao.
Đặc tính của kinh tế toàn cầu là nhiều quốc gia sẽ cùng lúc vướng vào những vấn đề tương tự. Sẽ không có túi tiền bồi thường nào để giúp các nền kinh tế yếu hơn hồi phục. Các nước hãy tự lo tìm cách cứu mình trước.