Mục đích cải tạo biến bãi cạn thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là gì?

Thứ Ba, 07/07/2015 11:58  | Tiến sĩ trần Công Trục

|

(CATP) Trung Quốc đang tiến hành những động thái như: nâng cấp, xây dựng các đảo chìm, đảo nổi, không phải bây giờ họ mới làm, mà họ đã làm từ khá lâu rồi. Đó là những hành động nằm trong chiến lược “xâm lược mềm” của Trung Quốc, mà sự tính toán của họ là sử dụng tất cả những mũi công, thủ.

Đặc biệt, việc Trung Quốc đang xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma, Chữ Thập... là một tính toán và bước thực hiện cực kỳ nham hiểm:

Về pháp lý: Củng cố trên thực tế “chủ quyền bất khả xâm phạm” mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm từ năm 1988.

Điều đáng lưu ý là Trung Quốc đang cố biến bãi đá Chữ Thập, cũng như những thực thể địa lý khác mà họ đã đánh chiếm được, từ những “đảo chìm” thành “đảo nổi”, từ những bãi cạn san hô không thích hợp cho đời sống con người thành những đảo “thích hợp cho con người sinh sống”, có “đời sống kinh tế riêng” để họ thực hiện yêu sách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của “quần đảo Nam Sa”. Đây cũng là phương cách ngụy tạo để “hợp thức hóa” đường biên giới “lưỡi bò” đang bị dư luận phản bác.

Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988 và hiện đã bồi đắp và xây dựng công trình lớn bất hợp pháp trên bãi đá này

Về an ninh quốc phòng: Cùng với các căn cứ quốc phòng được xây cất và đã đưa vào hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Chữ Thập... đã tạo thành một hệ thống quân sự tấn công liên hoàn, là tiền đồn vững chắc của Trung Quốc trong biển Đông... phục vụ cho các chiến dịch tấn công xâm lược đã được vạch ra để thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông của họ.

Khẩn trương xây dựng đường băng sân bay ở Gạc Ma, đá Chữ Thập... là thách thức và cũng là hiểm họa đối với tất cả các quốc gia ven biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải quốc tế đi qua biển Đông.

Điều đáng lưu ý nữa là với những sân bay được khẩn trương xây cất ở đây còn nhằm phục vụ cho việc khống chế hoạt động hàng không quân sự và dân sự quốc tế bay qua vùng trời biển Đông. Phải chăng nó liên quan đến việc Trung Quốc sẽ công bố Vùng nhận dạng phòng không mà họ đang có kế hoạch thực hiện trên bầu trời biển Đông...

Các công trình được Trung Quốc xây cất ở trên các đảo nhân tạo lại nằm ở vị trí hết sức lợi hại, chúng xen kẽ với các đảo hiện là những điểm dân cư, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các căn cứ phòng thủ của Việt Nam. Đặc biệt là chúng án ngự trên con đường vận chuyển huyết mạch từ đất liền ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ các căn cứ quân sự này, chắc chắn Trung Quốc sẽ dễ bề tiếp tục uy hiếp và mở rộng chiếm đóng thêm các bãi cạn khác xa về phía nam biển Đông... Thậm chí họ cũng có thể tính đến phương án đánh chiếm thêm các vị trí có dân, quân sinh sống trên đó... Những “tàu sân bay” bất khả chìm này là hết sức nguy hiểm, là mối hiểm họa cho các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong khu vực biển Đông.

Về kinh tế: Phải chăng đây chính là căn cứ hậu cần phục vụ cho những hoạt động khai thác nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật tại khu vực phía nam biển Đông, nơi chứa đựng tài nguyên phong phú, đa dạng, mà Trung Quốc đang tìm cách xâm chiếm, đặc biệt là dầu khí, nguồn nhiên liệu mà Trung Quốc hy vọng có thể thỏa mãn “cơn khát” năng lượng của mình.

Khi Trung Quốc liều lĩnh triển khai giai đoạn cắm các mũi khoan khai thác dầu khí ngay trên thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines... thì căn cứ hậu cần nơi đây sẽ là giải pháp kinh tế hiệu quả nhất. Đồng thời, nơi đây cũng là căn cứ hậu cần lý tưởng cho hoạt động đánh bắt cá của hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc, đang ồ ạt kéo xuống vơ vét nguồn hải sản phong phú và có giá trị ở phía nam biển Đông...

Trên phương diện thông tin truyền thông: Trung Quốc cố tình làm rùm beng những thông tin này vào thời điểm hiện nay còn nhằm thách thức dư luận, cố tình khẳng định quyết tâm chiến lược của mình trước dư luận trong nước và quốc tế, dọn đường dư luận cho những bước phiêu lưu mới của họ. Đặc biệt, có thể đây cũng là phương cách Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật đẩy mâu thuẫn trong nội bộ đang rất rối ren phức tạp ra bên ngoài...

Trung Quốc đang tìm cách che giấu và biện hộ cho những hành động xây cất ở đây dưới chiêu bài rằng họ đang làm trong “nhà”, trong “vườn” của họ; việc làm này cũng giống như Việt Nam, Philippines, Malaysia đã từng làm trong quần đảo này. Hơn nữa, Trung Quốc xây cất công trình để phục vụ mục đích dân sự, nhân đạo, kêu gọi các nước ủng hộ và sử dụng các “công trình dân sự” này!

Nhận thức tính chất nguy hại của những công trình nói trên, hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ, thậm chí tuyên bố sẵn sàng huy động tàu, máy bay đến khu vực này để tuần tra, ngăn cản các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở đây.

Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam đầu tháng 10-2014 đã một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị. Các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế hết sức quan ngại và đã lên tiếng phản đối những động thái nguy hiểm này của Trung Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang