Cảm xúc đại biểu trong ngày họp cuối

Thứ Hai, 11/04/2016 20:51  | Hải Triều - Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày mai (12-4), kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII sẽ bế mạc. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chia sẻ cảm xúc trước ngày cuối tại nghị trường.

ĐẠI BIỂU LÊ ĐÔNG PHONG (TP.HCM):

Tôi thấy vinh dự vì là ĐBQH của một nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn quan trọng, khi Quốc hội quyết định được nhiều việc quan trọng như thông qua Hiến pháp hay một loạt các bộ luật, luật lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân.

Quá trình tham gia hoạt động của Quốc hội cũng là quá trình mà mỗi đại biểu trưởng thành nhiều hơn nhờ có cơ hội học hỏi, tiếp cận nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, đại biểu có điều kiện để thực hiện trách nhiệm người đại biểu của dân tốt hơn, toàn diện hơn, đồng thời cũng làm tốt chức trách nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Đại biểu Lê Đông Phong

Với vai trò là một ĐBQH, trong nhiệm kỳ qua, tôi đã tiếp nhận và chuyển tải tất cả các ý kiến phản ánh của cử tri đến nghị trường, đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đối với những việc thuộc trách nhiệm của ngành, thông qua tiếp xúc và đối thoại với cử tri, tôi cũng hiểu hơn hiệu quả hoạt động của ngành mình và giải quyết nhanh chóng các vấn đề khiến nhân dân, cử tri còn bức xúc.

Nhìn rộng ra, tôi cho rằng nhiệm kỳ vừa qua cần quan tâm nhiều hơn nữa việc nâng cao chất lượng các dự án luật, trước hết là nên theo định hướng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, đó là nâng cao hoạt động của công tác lập pháp là không phải làm những cái dễ, những gì đã hoạch định trước mà là phải bám sát các nhu cầu thực tiễn và có tính khả thi.

Để đạt được yêu cầu này thì dù khó cũng phải làm thì luật sau khi có hiệu lực mới đi vào cuộc sống, mới thỏa mãn được các yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

ĐẠI BIỂU TRỊNH NGỌC PHƯƠNG (TÂY NINH):

Nhiệm kỳ qua, với tinh thần trách nhiệm, các ĐBQH nói chung và bản thân tôi đã thực hiện tốt các công việc của kỳ họp này. Các dự án luật, các nghị quyết, báo cáo, công tác nhân sự... đều được các vị ĐBQH nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến một cách thận trọng trước khi bấm nút thông qua. Không khí của nhiều lời từ biệt chia tay; những chia sẻ, những bùi ngùi; lời dặn dò của người cũ đối với người mới; với tâm trạng buồn vui lẫn lộn của những đại biểu tiếp tục tái cử, đại biểu không tái cử và lời tuyên thệ đầy tâm huyết, đầy sức sống của những đại biểu mới nhậm chức... đã làm cho kỳ họp này mang nhiều sắc thái khác nhau.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương

Nhưng dấu ấn đặc biệt của kỳ họp này để lại cho người dân nhiều nhất là lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Lời tuyên thệ thể hiện dấu ấn của từng con người mà phải lâu lắm rồi, Quốc hội và nhân dân cả nước mới được nghe từ những vị lãnh đạo chủ chốt.

Có thể nói, mỗi đại biểu, dù mang mỗi tâm trạng khác nhau nhưng ai cũng mong muốn nhiệm kỳ thành công tốt đẹp, đất nước có nhiều đổi mới hơn với những nhân sự chủ chốt vừa được Quốc hội bầu, với những quyết sách vừa được Quốc hội thông qua và đặt nhiều kỳ vọng vào những ứng cử viên cho Quốc hội khóa XIV.

ĐẠI BIỂU PHÙNG KHẮC ĐĂNG (SƠN LA):

Nhiệm kỳ khoá 13 để lại cho cá nhân tôi rất nhiều ấn tượng trong hoạt động nghị trường. Dấu ấn sâu sắc nhất đọng lại trong tôi là đã thông qua được bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, tạo nền tảng cho hệ thống luật pháp luật nói chung.

Đại biểu Phùng Khắc Đăng

Thông qua hoạt động nghị trường, tôi nhận thấy rõ vai trò giám sát của Quốc hội, ĐBQH. Tuy nhiên, điều tôi còn băn khoăn là giám sát hoạt động kinh tế và để nợ công tăng cao. Tôi từng cảm thấy áp lực khi bấm nút quyết định những vấn đề lien quan đến “túi tiền” quốc gia, nhưng do yêu cầu thực tế để phát triển đất nước thì không còn cách nào khác và chúng tôi cũng phải đồng tình.

ĐẠI BIỂU LÊ NAM (THANH HÓA):

Mặc dù là kỳ họp cuối, nhưng các nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội, đặc biệt là tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp đã được chuẩn bị rất kỹ. Cử tri rất hoan nghênh khi các ĐBQH nói những điều gan ruột, trọng đại của đất nước như về kinh tế, xây dựng nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. ĐBQH cũng đã nói được những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau.

Đại biểu Lê Nam.

Theo tôi, ở nhiệm kỳ sau, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội có nhiệm vụ rất nặng nề. Hôm nay chúng ta đã nhìn thấy những khó khăn, nhưng có những khó khăn tôi nghĩ sang năm hoặc năm kia mới bộc lộ bên cạnh những thuận lợi. Song tôi tin, bộ máy mới, những người lãnh đạo mới sẽ tìm cách để giải quyết.

ĐẠI BIỂU ĐỖ VĂN VẺ ( THÁI BÌNH):

Đây là kỳ họp để lại một dấu ấn hết sức quan trọng, một số công việc như làm luật, nghị quyết và bàn bạc thảo luận thông qua hoàn thành đầy đủ mục tiêu mà chúng ta đề ra. Đồng thời, Quốc hội cũng đã bầu và phê chuẩn được bộ máy nhân sự cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ.

Tôi hy vọng các đồng chí lãnh đạo đã được Quốc hội bầu, phê chuẩn của kỳ họp này sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, kỳ vọng các đồng chí có nhiều đột phá quyết liệt ngay sau kỳ họp này, lãnh đạo kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Trong buổi sáng nay, 12-4-2016, Quốc hội họp phiên bế mạc (được phát thanh, truyền hình trực tiếp), kết thúc chương trình làm việc của kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khóa XIII.

Trước đó, ngày 11-4, Quốc hội đã hoàn tất các công tác nhân sự cuối cùng, tiến hành bầu cử một số Phó chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và Hội đồng Quốc phòng - An ninh.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an được bầu làm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh

Sau khi các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Đoàn về đề nghị nhân sự của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách một số Phó chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng Quốc phòng - An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trưởng Ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí công bố kết quả kiểm phiếu cho biết: đã có 485/487 đại biểu Quốc hội đồng ý phê chuẩn chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với 485/486 đại biểu Quốc hội phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm được bầu làm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh. Cùng với thượng tướng Tô Lâm, còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với 485/486 số phiếu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với 484/486, cũng được bầu làm Ủy viên Hội đồng quốc phòng - An ninh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang