(CATP) TPHCM đang trong những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tưng bừng, trang trọng và đầy tự hào lan tỏa khắp các ngõ ngách để chào đón đại lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Giữa dòng người dân thành phố đang hân hoan chuẩn bị cho sự kiện trọng đại, sự hiện diện và những cảm xúc ấn tượng của du khách quốc tế đã trở thành một phần không thể thiếu, tô điểm thêm cho bức tranh đa sắc màu của ngày hội lớn.
Sự quan tâm đặc biệt của truyền thông toàn cầu
Minh chứng rõ nét cho tầm vóc của sự kiện này là việc có tới 39 hãng thông tấn, cơ quan báo chí quốc tế đăng ký cử phóng viên đến TPHCM tác nghiệp, đưa tin về chuỗi hoạt động kỷ niệm. Một trung tâm báo chí hiện đại đã được thiết lập, cùng các điều kiện hỗ trợ tối đa được chuẩn bị để phục vụ các nhà báo quốc tế, bao gồm cả những phóng viên chiến trường từng có mặt tại Việt Nam trong quá khứ. Sự hiện diện đông đảo của truyền thông quốc tế càng làm tăng thêm bầu không khí sôi động, cho thấy ý nghĩa lịch sử của sự kiện này không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam.
Đối với nhiều du khách lần đầu đến Việt Nam hay cả những người nước ngoài đã sinh sống lâu năm tại TPHCM, không khí chuẩn bị cho đại lễ 30/4 mang đến một trải nghiệm đặc biệt và khác biệt. Ông Michael Davies, một người Anh có 6 năm gắn bó với thành phố, thừa nhận dù biết rõ về các ngày lễ lớn của Việt Nam, nhưng "đây là năm đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được nguồn năng lượng lễ hội bao trùm cả thành phố như vậy. Đây là một cột mốc thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi", ông Davies nói.

Buổi tổng duyệt cấp Nhà nước diễn ra với hàng nghìn người theo dõi
Sự khác biệt còn đến từ chính những người Việt xung quanh anh. Ông Davies chia sẻ thêm: "Không giống những năm trước, khi nhiều đồng nghiệp Việt Nam của tôi thường về quê hoặc đi du lịch dịp này, năm nay họ đồng loạt thay đổi lịch trình, ở lại thành phố để xem diễu binh. Không khó để nhận ra mọi người đang thực sự háo hức, mong chờ một ngày hội lớn".
Không chỉ có diễu binh trên bộ, màn trình diễn của lực lượng không quân với các máy bay chiến đấu Yak130, Su-30MK2 và trực thăng Mi-171, Mi-17, Mi-8 bay lượn trên bầu trời thành phố, thực hiện các kỹ thuật phức tạp như thả bẫy nhiệt, cũng khiến nhiều người nước ngoài như ông Davies phải thán phục. Cùng với đó, màn thực hành bắn đại bác chào mừng đại lễ 30/4 tại khu vực Bến Bạch Đằng cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi người.
Cảm nhận về một "Việt Nam khác" - ông Dimitri Volkov đến từ nước Nga đã xem TPHCM là nhà suốt 18 năm chia sẻ: "Tôi từng nghĩ đã thấy hết mọi điều ở Việt Nam, nhưng từ cuối tháng 3, khi các hoạt động chuẩn bị cho đại lễ bắt đầu nở rộ, tôi nhận ra thành phố như đang náo nức chờ đợi một sự kiện cực kỳ quan trọng".

Lực lượng CSGT bảo đảm an ninh trật tự suốt đêm
Ấn tượng thị giác mạnh mẽ nhất đối với du khách chính là sự hiện diện dày đặc của cờ đỏ sao vàng và các biểu ngữ chào mừng. Ông Arjun Sharma, một người Ấn Độ đang sinh sống tại TPHCM, mô tả bầu không khí là "tràn đầy năng lượng", với lá cờ quốc gia Việt Nam tung bay đầy tự hào trên khắp các con phố. Từ các trục đường chính như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ đến các con hẻm nhỏ, các tòa nhà cao tầng, đâu đâu cũng rực sắc đỏ. Nhiều quán cà phê còn sáng tạo ra các loại đồ uống theo chủ đề, trang trí không gian bằng hàng ngàn lá cờ.
Rực rỡ cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ chào mừng
Các hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm chính thức, đặc biệt là các buổi hợp luyện, tổng duyệt diễu binh, diễu hành, đã biến các tuyến đường trung tâm thành sân khấu lớn. Hàng vạn người dân và du khách đã đổ về khu vực trung tâm, kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ, bất chấp thời tiết nắng nóng hay những cơn mưa bất chợt, để được chứng kiến tận mắt những đội hình diễu hành trang nghiêm, đều bước trong tiếng quân nhạc hùng tráng. Du khách quốc tế cũng không đứng ngoài cuộc. Họ hòa vào đám đông, giơ cao điện thoại, máy ảnh để ghi lại những hình ảnh ấn tượng.
Cô Emily Clarke, nữ du khách Anh lần đầu đến TPHCM, bày tỏ sự xúc động khi lần đầu tiên chứng kiến bầu không khí thiêng liêng và tràn đầy năng lượng này. "Thành phố rất đẹp và sôi động... Tôi cảm giác đây là một lễ hội thực sự và mọi người đón chào bầu không khí đó với tất cả sự phấn khởi", cô chia sẻ.

Du khách Michael Davies cảm nhận được nguồn năng lượng lễ hội bao trùm cả thành phố
Nhiều du khách khác, như ông Thomas Evans đến từ Anh, cũng bày tỏ sự may mắn khi có mặt đúng dịp lễ lớn và ấn tượng với quy mô, sự trang nghiêm của các buổi tổng duyệt. Ông nhận xét: "Tôi cảm nhận có một nguồn năng lượng rất tích cực từ Thành phố này trong những ngày lễ. Người dân rất thân thiện và háo hức để chào đón sự kiện đại lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ấn tượng lớn nhất của tôi là một dân tộc hướng về phía trước, một Việt Nam Anh hùng và nhân hậu; người dân Thành phố rất hiếu khách và họ thể hiện sự lạc quan ngoài sức tưởng tượng".
Không khí lễ hội không chỉ đến từ các hoạt động diễn tập quân sự, Thành phố còn tổ chức một chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật phong phú. Các triển lãm ảnh quy mô lớn như "Thống nhất non sông" trưng bày những tư liệu quý giá. Các chương trình nghệ thuật đặc sắc như "Ngày hội Thống nhất non sông", "Đất nước trọn niềm vui" được tổ chức tại nhiều địa điểm. Lễ hội "Sắc màu Thành phố Bác" với màn trình diễn 3D mapping lên tòa nhà UBND Thành phố, các đêm bắn pháo hoa nghệ thuật trên sông Sài Gòn, các giải đấu thể thao, liên hoan ẩm thực... tất cả tạo nên một không gian lễ hội đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách.

Ông Dimitri Volkov trong một chuyến tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi
Ngành du lịch cũng vào cuộc mạnh mẽ với chương trình kích cầu "50 ngày vàng - Khám phá TPHCM hiếu khách và sôi động" cùng nhiều tour tuyến được thiết kế đặc biệt tập trung vào chủ đề lịch sử. Có thể nói, đối với du khách quốc tế, việc có mặt tại TPHCM vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất là một cơ hội trải nghiệm độc đáo. Họ không chỉ được khám phá một thành phố năng động, mà còn được chứng kiến tận mắt niềm tự hào dân tộc, cảm nhận sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan của người dân Việt Nam trong một thời khắc lịch sử đặc biệt.
Để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động kỷ niệm quy mô lớn, đặc biệt là lễ diễu binh, diễu hành, lực lượng Công an TPHCM đã triển khai các phương án bảo vệ chặt chẽ. Sáng ngày 27/4, trong buổi tổng duyệt chương trình, Đại tá Trần Hồng Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM - cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế công tác tại các chốt chặn, điểm chỉ huy, khu vực trọng yếu và các tuyến đường diễn ra hoạt động như Lê Duẩn, Công xã Paris, Nam Kỳ Khởi Nghĩa...

Đại tá Trần Hồng Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM - kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự chuẩn bị cho đại lễ
Lãnh đạo Công an TPHCM đã chỉ đạo các lực lượng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng, chủ động nắm tình hình, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, bảo đảm giao thông thông suốt, an ninh trật tự cho người dân, đại biểu và du khách tham dự đại lễ.