Nhớ Bác trong ngày vui đại thắng

Thứ Hai, 28/04/2025 07:45

|

(CATP) Trong những ngày TPHCM tổ chức các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trên đường phố luôn vang lên bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…". Và không chỉ ở Việt Nam, tại những vùng đất ven sông Mêkông hùng vĩ bên nước bạn Lào, người dân đã nhắc đến Bác. Vì thắng lợi của Việt Nam chính là tiền đề để Lào và các quốc gia giành độc lập.

Trên đường phố ở TPHCM cuối tháng 4 này, từng đoàn quân rầm rập luyện tập diễu binh, diễu hành với nhiều sắc áo. Thỉnh thoảng lại vang lên bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi giữa rừng hoa, rừng cờ như lời bài hát "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" do nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác ngày 30/4/1975: "Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ...".

Lời bài hát và âm vang của đoàn quân khiến nhiều cựu chiến binh nhớ lại hồi ức 50 năm trước. Những ngày cuối tháng 4/1975, người lính Nguyễn Phúc Thi (quê Hà Nội) lái xe trong đoàn quân chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, khi xe tới gần TP. Đà Nẵng thì được lệnh đi ngược trở ra Quảng Trị, cắt đường núi để lên đường mòn Trường Sơn, băng qua đất Lào và bắt đầu tiến vào miền Nam. Người dân Lào ra vẫy tay, nhiều người dường như không ngủ. Họ biết Việt Nam đang tới giai đoạn chiến thắng nên vẫy tay chào đón và nhắc tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ca khúc "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" qua màn trình diễn của NSND Thanh Thúy và các diễn viên múa. Ảnh: NGUYỄN Á

Những ngày tháng 4 trọng đại này, trở lại vùng đất Lào từng in dấu đoàn xe của Quân giải phóng, tôi nhận ra bà con người Lào gốc Việt và người dân Lào cũng đang có niềm vui như người dân Việt Nam và nhắc tên Hồ Chí Minh, bởi Cách mạng của Lào và Việt Nam luôn song hành suốt chiều dài cuộc trường chinh. Tại bến sông Mêkông nằm ở tỉnh Savannakhet, nhiều người tới trước Tượng đài Hồ Chí Minh, dưới chân tượng ghi nội dung "Năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó mang bí danh Chín Thầu) vượt sông từ Thái Lan sang tỉnh Savannakhet để khảo sát tình hình...".

Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vang lên ở Thành phố mang tên Bác, mà còn vang trong tim những người Việt sống xa Tổ quốc và người dân nước bạn. Anh Ponesavan Phichith, chị Yardvongsa từng học tập ở Việt Nam, vì vậy đều thể hiện tinh thần quý mến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị Yardvongsa cho biết: "Lúc còn học phổ thông ở Lào đã nghe thầy cô nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào giải phóng đất nước, nhờ đó bà con Lào mới có cuộc sống ấm no như hôm nay. Sau này khi sang Việt Nam học tập thì em càng hiểu hơn tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Tại Bảo tàng Truyền thống Liên minh chiến đấu Việt - Lào, rất nhiều tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trang trọng, trong đó có tấm ảnh "Bản đồ thế giới: Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến 1941". Tại bảo tàng còn trân trọng trưng bày các bài dự thi tìm hiểu về "Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam". Có một bài viết khá công phu của Thiếu úy Trần Thị Thu Phương - cán bộ Văn phòng Công an tỉnh Yên Bái. Tháng 4 này, nếu nhìn sang các nước anh em thì sẽ thấy niềm vui ngày thống nhất của Việt Nam đang lan tỏa, tên gọi Hồ Chí Minh không chỉ vang lên trên dải đất hình chữ S, mà còn vang vọng trong trái tim những dân tộc từng bị áp bức và đã giành thắng lợi.

Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam những dòng chữ khiến ai đọc lại cũng không khỏi bồi hồi: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta...". Nhìn hình ảnh đoàn xe của Quân giải phóng rầm rập nối nhau băng qua đất Lào để tiến vào miền Nam, chợt nhớ đến đoạn di chúc mà Bác viết với lời chia sẻ đầy khắc khoải về những dự định mà Bác sẽ làm: "Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ công cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta".

Đi khắp nước Lào anh em, nơi đâu cũng thấy biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những câu chuyện tốt đẹp về Người. Tại các địa bàn biên giới Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị..., đồng bào các dân tộc, thầy cô giáo, các cháu thiếu nhi, các đồng chí công an tăng cường... nhân dịp này tổ chức nhiều hoạt động ôn lại sự kiện 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời nhắc đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có câu chuyện xúc động về việc 2 lần Bác từ chối nhận Huân chương Sao Vàng.

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cạnh dòng Mêkông. Ảnh: HÀ ANH

Đó là vào năm 1963, Quốc hội đề nghị tặng Huân chương Sao Vàng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng Bác từ chối và nói rằng: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng".

Việt Nam tưng bừng tổ chức kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh làm rung động hàng triệu con tim người Việt Nam. Và vào ngày 02/12/2025 tới, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng tổ chức sự kiện trọng đại 50 năm Quốc khánh. Những sự kiện chính trị của Lào luôn nhắc đến tình hữu nghị đặc biệt của 2 dân tộc và gói gọn trong 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long".

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không chỉ được ca ngợi ở dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông, mà còn tỏa ánh hào quang đến đất nước triệu voi bên dòng Mêkông hùng vĩ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang