(CAO) Sáng nay (16/6), Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 95,78%.
Theo Nghị quyết được thông qua, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Khánh Hòa không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh Khánh Hoà được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết
Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị quyết cũng cho phép Khánh Hoà được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 (không áp dụng quy định tại khoản 16 Điều 5 của Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022) khi xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Vẫn theo Nghị quyết, HĐND tỉnh được giao quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm cũng đã được quy định cụ thể tại nghị quyết.
Các ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, theo Nghị quyết, gồm:
Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.
Một góc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: CTV
Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; Xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I cũng được ưu tiên cùng với các ngành nghề đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.