Nêu ý kiến tại phiên thảo luận hôm nay (15/6) về dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) phân tích, ngoài 5 điều được quy định tại Chương IX, dự thảo luật còn dành 34 khoản trong 21 điều quy định về thẩm quyền của PVN. Tuy nhiên, đai biểu nhìn nhận các quy định này “rất nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực”.
Dẫn chứng quy định tại Điều 23, Điều 32 và Điều 33 dự luật, đại biểu Thuỷ chỉ ra, PVN đóng vai trò của nhà thầu; tại Điều 35, Điều 36, PVN lại giữ vai của Công ty mẹ, từ Điều 37 đến Điều 45, đứng vai trò quản lý nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu ý kiến thảo luận
“Ở các Điều 39, 40, 43 quy định thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công thương, nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%” – bà Thuỷ phản ánh.
Giám sát việc ứng phó sự cố môi trường
Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) nhận xét dự Luật chưa quy định rõ ràng. Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí và các hoạt động dầu khí.
“Các quy định này giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì hầu như các mỏ đều nằm ở ngoài biển xa và muốn tới đó để kiểm tra, khảo sát tình hình sinh thái, môi trường biển quanh mỏ rất khó khăn” - đại biểu An nêu quan điểm.
Chia sẻ góc nhìn, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Nhấn mạnh vấn đề môi trường lớn nhất trong hoạt động dầu khí là sự cố tràn dầu, đại biểu Thi phản ánh, các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển.
Theo đại biểu, nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí, như xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…
“Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra. Giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường” – ông Thi yêu cầu.
Theo bà, quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền.
Từ phân tích trên, đại biểu của Bến Tre yêu cầu làm rõ PVN là doanh nghiệp nhà nước thì có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dầu khí hay không? Nếu có, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào, ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này?
Chung mối quan tâm này, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhìn nhận, nếu dành toàn bộ một chương thì mặc nhiên luật này lại quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của một doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, theo ông, chỉ nên dành cho PVN một điều luật, trong đó ghi rõ những nội dung khác với một doanh nghiệp nhà nước, những nội dung mà quản lý nhà nước đặc biệt uỷ quyền cho PVN, làm căn cứ để từ đó Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp này.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định sẽ chỉnh sửa để thể hiện rõ hơn vai trò 2 tư cách của PVN là doanh nghiệp nhà nước hoạt động dầu khí được thực hiện ký kết hợp đồng như một nhà thầu độc lập và thực hiện một số nhiệm vụ do Chính phủ giao về quản lý hoạt động dầu khí.
Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).
Liên quan đến hợp đồng dầu khí, một nội dung rất quan trọng trong lần sửa đổi này, dự Luật thảo quy định Thủ tướng phê duyệt hợp đồng dầu khí và giao cho PVN ký kết. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, nên sửa đổi theo hướng Thủ tướng chỉ phê duyệt nội dung cơ bản hoạt động dầu khí, còn lại giao PVN phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết hoạt động dầu khí.
“Hợp đồng dầu khí là thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà thầu dầu khí, có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền mặt biển” – Thứ trưởng An nói và cho rằng việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là có cơ sở.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Công thương cũng “hứa” tiếp thu ý kiến của đại biểu, tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.