1. Quay về thời điểm của Báo Công an TPHCM lúc chính thức ra mắt bạn đọc, ta sẽ thấy đó là một hiện tượng của làng báo Việt Nam, sau năm 1975. Ngày 15-6-1976, Bản tin thi đua thuộc Phòng Chính trị CA TPHCM ra số báo đầu tiên. Từ đó, nó đã có bước đi thần kỳ khiến dân "trong nghề" phải kinh ngạc.
Ngay lập tức tờ báo đã "phủ sóng" khắp hang cùng ngõ hẻm. Tờ báo đến với mọi nhà, mọi người vì rằng, người dân cần biết chủ trương chính sách lẫn những gì vừa mới diễn ra. Mà, Báo CATP do vị thế của mình hầu như "độc quyền" những thông tin nóng, mới, lạ mà các báo không thể sánh nổi. Điều này có thể nhìn thấy qua số lượng phát hành, nay nhìn lại, cứ "tưởng như mơ”, rất lạ, không thể tưởng tượng nổi, đó là có lúc báo lên đến hơn nửa triệu bản in.
Khủng khiếp quá. Ngưỡng mộ quá.
Là nhân chứng của thời điểm đó, nhà văn Sơn Nam đã từng cho biết: "Mua Báo CATP trễ là hết, phải đặt trước... Tôi thấy nhiều người cắt xén tờ báo CA để dành những bài mà ngẫm thấy tâm đắc, thỉnh thoảng dán vào một tập dày và đã dán rồi thì để dành kỹ, không cho mượn vì nó trở thành tài liệu quý giá”. Thử hỏi vì sao báo bán chạy, số lượng in "quá hớp"? Lý giải vấn đề này như thế nào?

Một bác tài xích lô đọc Báo Công an TPHCM trong phút nghỉ ngơi sau những cuốc khách mệt nhọc. Ảnh: M.Tân
Còn nhớ vào năm 2006, nhà văn hóa Trần Bạch Đằng đã phát biểu mà nhiều người tán thành: "Báo CATPHCM sẽ là diễn đàn của sự phát triển, vì sự phát triển, vì công bằng xã hội, vì sự trong sáng của đất nước, là đường dây chuyển tải hai chiều ý Đảng, lòng dân, lấy trung thực làm chuẩn". Bao nhiêu năm qua, có thể nói Báo CA sở dĩ được bạn đọc tin yêu, tin cậy cũng vì lẽ đó.
2. Từ năm 1985, khi báo CA chuyển về 373 Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q1. Bấy giờ đang còn là sinh viên năm thứ hai của Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp TPHCM, tôi bắt đầu có điều kiện thường xuyên đọc và thỉnh thoảng được công tác với tờ báo này. Với tôi, đó là một niềm sung sướng, qua đó, nhờ nhuận bút mà có thể "cải thiện" bữa ăn, mua sách vở... của thời sinh viên khốn khó. Phải nói thật, thời đó, Báo CA là nơi chi trả nhuận bút rất "sộp", đứng đầu bảng của báo chí TPHCM.

Cộng tác viên, nhà thơ Lê Minh Quốc cùng con gái
Sau này ra trường theo nghiệp làm báo, thỉnh thoảng có bài được in, tôi hay lui tới chơi với anh em đồng nghiệp, nhất là lúc báo chuyển về địa chỉ hiện nay. Nhờ thế, tôi mới biết đôi điều về cách triển khai đề tài của ban biên tập, cụ thể đứng đầu là TBT Huỳnh Bá Thành. Có lúc các anh Trần Tử Văn, Thiên Hà... cho biết, khi xử lý một thông tin nào đó để in trên mặt báo, TBT hỏi vấn đề này có thể kéo dài được mấy kỳ báo? Sau khi đã bàn bạc, trao đổi xong, phóng viên thực hiện.
Nhờ thế, có những vấn đề nóng, hấp dẫn, nhiều người quan tâm là Báo CA qua nghiệp vụ làm báo/ viết báo đã "giữ chân" bạn đọc nhiều số báo liền. Từ đó, đã tạo ra thói quen cho người đọc, thí dụ muốn biết tường tận vụ việc đó như thế nào, chỉ có thể đọc trên Báo CA. Theo tôi, đây là phương thức hay trong nghiệp vụ.
Đã thế, bấy giờ tôi còn nghe kể là báo còn "chiêu hiền đãi sĩ” bằng cách tạo điều kiện cho các cộng tác viên "ruột": Họ được mua số lượng nhất định với giá nội bộ, sau đó, họ bán lại cho đại lý phát hành, người bán lẻ và hưởng số tiền chênh lệch. Không rõ sáng kiến tuyệt vời này do ai trong ban biên tập đã nghĩ ra nhưng rõ ràng rất đáng ghi nhận. Có như thế, cộng tác viên mới gắn bó lâu dài với tờ báo. Cũng là một cách quan tâm đến những người cung cấp thông tin, bài vở cho báo. Trước sau có tình.
Tôi còn nhớ đến những ấn phẩm phụ của báo như Đặc san cuối tuần, An ninh du lịch... hồi đó in khổ lớn bốn màu, nhìn mỹ thuật rất "bắt mắt", được bạn đọc yêu thích. Cũng là một nỗ lực của Báo CA khi nhà báo thật sự sống với nghề, yêu nghề và làm mọi cách để phục vụ thông tin cho bạn đọc. Thêm một ấn tượng khó quên nữa đối với tôi vẫn là khi tại tòa soạn báo có lúc trở thành galary triển lãm tranh, bán tranh gây quỹ từ thiện. Qua đó, bản thân tôi khi được mời tham dự đưa tin và có dịp làm quen với những tên tuổi họa sĩ đã thành danh như Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Chóe v.v...
Rồi Báo CA thành lập Hãng phim Người bảo vệ cũng rất nổi đình nổi đám; tổ chức giải bóng đá dành cho người lớn, kể cả trẻ em; tổ chức các buổi Giao lưu Gương sáng phố phường, xây dựng nhà tình nghĩa v.v... Rõ ràng, so với đồng nghiệp thì thời điểm đó Báo CA vừa "ăn nên làm ra" vừa dám đi những bước cực kỳ ngoạn mục. Rất đáng nể.
Có thể nói một trong những "điểm son" sáng giá nhất là Ban biên tập đã quy tụ, tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Mở trang báo ra là những cây bút lẫy lừng như Trần Bạch Đằng, Hoàng Như Mai, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài, Huy Cận, Hoàng Cầm v.v... Với những tên tuổi này, nếu Báo CA không đạt đến "đẳng cấp" trong làng báo thì làm sao họ cộng tác bài vở? Sau này, qua nhiều năm theo nghề, tôi càng thấy rõ: Một tờ báo thể hiện được "tâm" và "tầm" hay không, bạn đọc còn có thể nhìn thấy qua lực lượng cộng tác viên của tờ báo đó nữa.
Như đã nói, hoạt động "sau mặt báo" của Báo CA cực kỳ đa dạng, phong phú; mà, chúng ta không thể quên còn là hoạt động từ thiện nữa. Tôi biết, Ban biên tập Báo CA đã xác định, đây chính là "tôn chỉ thứ hai" của tờ báo. Thật đáng quý, đáng trân trọng về cái Tâm, cái Tình của những người làm Báo CATPHCM.
3. Khi Báo CA đã tròn 46 tuổi, nhiều người có những lời chúc khác nhau trong sự vui mừng và đồng cảm, nhất là trong tình hình báo chí hiện nay nói chung. Với tôi, một cộng tác viên có ít nhiều lần cộng tác với báo từ lúc "đơn thân độc mã” đến nay đã có con mả vẫn còn, đã trải qua biết bao năm tháng, dịp này, xin chia sẻ cảm nghĩ với Báo CATPHCM, từ lẫy Kiều:
Những là rày ước mai ao
Bao nhiêu năm ấy xiết bao nghĩa tình
Xa gần nô nức yến oanh
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau...