Cảm ơn những cái cười khinh khỉnh

Thứ Tư, 15/06/2022 09:31

|

(CATP) Lời Tòa soạn: Trần Tử Văn viết báo từ rất sớm, năm 20 tuổi anh đã có nhiều tin, bài đăng trên các báo ở thành phố lẫn các tỉnh phía Nam. Năm 26 tuổi anh đã có quyển sách đầu tay viết những mẩu chuyện về an ninh do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Từ đó đến nay, sau 45 năm cầm bút, anh đã viết khoảng 2.000 bài báo, gần 40 đầu sách, có 8 tác phẩm được chuyển thể điện ảnh, nhận hàng chục giải thưởng trên các lĩnh vực ấy.

Trên đường binh nghiệp, anh cũng có những đóng góp xuất sắc, hai lần được phong hàm vượt cấp và trước niên hạn, 15 lần được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và Chiến sĩ thi đua, nhận nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Anh nguyên là Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân (1995 - 1998), Phó tổng biên tập phụ trách nội dung Báo Công an TP.Hồ Chí Minh (1993 - 1995) và (1998 - 2015), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1999), nguyên thành viên tổ chức Unesco Việt Nam về Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật. Đến ngày về hưu, anh mang cấp hàm Đại tá và tiếp tục sáng tác, viết bài cho nhiều tờ báo của trung ương và thành phố.

Trần Tử Văn luôn cởi mở, chân tình. Không ít bài viết nói về các góc cạnh nghề nghiệp cũng như cuộc sống của người sĩ quan Công an nhân dân tài hoa, nay chúng tôi xin giới thiệu một phần trong tự truyện mà anh sắp cho xuất bản. Trong các yếu tố giúp Trần Tử Văn thành đạt, chính những "cái cười khinh khỉnh" đã thúc anh phải thêm nỗ lực, nâng cao nghề nghiệp, không ngừng học hỏi, sáng tạo, như Jean Paul Sartre nói: "Người khiêm tốn không phải là kẻ thờ ơ với lời khen, mà là người chăm chú nghe lời chỉ trích"...

Trên lĩnh vực văn chương, hiếm có những tài năng thiên bẩm như Victor Hugo, Dostoicevsky hay nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... Hầu hết đều phải trải qua một quá trình học tập, lao động, cọ xát với thực tế, sáng tạo trong hoàn cảnh, đam mê với ngòi bút. Có người viết từ tư duy nhưng cũng có người viết từ tâm thức, có người được tác phẩm hay do ngẫu hứng, cũng có người chăm chút, trau chuốt từng ngôn từ diễn đạt. Và dĩ nhiên, không phải ai cũng thành công, có những tác phẩm bị rơi vào quên lãng, có những người phải bỏ dở ước mơ do không chịu nổi những tháng ngày đơn độc bên bàn viết.

Nhà báo, nhà văn Trần Tử Văn năm 50 tuổi

Tôi không có năng khiếu bẩm sinh, không được đào tạo chuyên sâu về nghề cầm bút, nhưng từ thuở còn ngồi dưới mái trường trung học đã có ước mơ cháy bỏng, khi bước vào nghề luôn cố tìm cách lấp những lỗ hổng về kiến thức chuyên môn, cố trèo lên ngọn núi mà mình biết sẽ bắt được nhiều hoa thơm, cỏ lạ. Mãi đến năm 30 tuổi, sự nghiệp cầm bút của tôi vẫn còn mỏng lắm.

Hôm ấy, thấy một cây bút nổi tiếng chuẩn bị đăng trình làm thiên phóng sự, tôi mạnh dạn xin đi theo để... làm được gì thì làm, thì thủ trưởng cười mỉa: "Mày theo chỉ có nước... xách dép cho ông ấy!". Tôi không tự ái, nhưng cứ thắc mắc tại sao người ta đánh giá khả năng của mình thấp đến như vậy, còn thiếu thứ gì trong hành trang nhét đầy sách báo, bút mực? Người đăng trình lớn hơn tôi một thế hệ, cái tên đang được nhiều người ngưỡng mộ và tôi cũng xem ông ấy là thần tượng. Tôi muốn học cách làm, tác nghiệp như thế nào để có hiệu quả, phóng sự là một thể loại mạnh, nhiều độc giả, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện thanh thoát, lôi cuốn, nêu bật vấn đề. Kỹ năng mỗi người khác nhau nhưng phương pháp thì có thể học tập lẫn nhau.

Ít lâu sau, cũng vị thủ trưởng ấy, khi thấy ông đang gò lưng mê say bên xấp giấy viết dở, tôi rón rén đến hỏi: "Chú viết sách hả? Bao nhiêu trang vậy chú?", ông cười khinh khỉnh: "Cỡ 200 trang, khoảng 60.000 chữ. Thích lắm hở, mày có bao nhiêu chữ mà hỏi?!". Lại sự nghi ngờ về năng lực, thách đố người bơi ra sông khi thấy kẻ đứng trên bờ đang lóng nga, lóng ngóng. Viết một bài báo lớn lắm khi đã thấy đầu óc quay cuồng, viết một quyển sách ngần ấy trang có lẽ phải ngụp lặn trong bể chữ đến hụt hơi (?).

Mình có bao nhiêu chữ, tôi tự hỏi, 3.000 hay 5.000, muốn có nhiều hơn thì ở đâu ra, phải nghiên cứu, đọc sách báo hay cọ xát với thực tế để "đãi cát tìm vàng"? Số lượng chữ ở đây không đơn thuần để chất cho đầy trang giấy, mà là kiến thức ngôn ngữ, dung lượng ý tứ truyền tải nội dung vấn đề đặt ra. Một thách thức không dễ dàng vượt qua, không dám qua thì nghề nghiệp sẽ đứng lại, mai một, ước mơ chỉ còn nằm trong giấc ngủ, chiến thắng nào cũng phải trả giá, trên đời hiếm có việc gì "bất chiến tự nhiên thành"!

Lúc ấy, ngoài viết báo, tôi mơ ước sẽ trở thành nhà văn, cái khát vọng ấy như ngọn lửa trong lòng, cứ đốt cháy suy nghĩ, tâm tư, cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Tôi không kỳ vọng sẽ có tác phẩm bất hủ như các vị tiền bối, tôi không nghĩ sẽ được tên tuổi lấp lánh như ông Sơn Nam, ông Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê... mà chỉ muốn biến hoài bão thành hiện thực, muốn đi đến nơi, đến chốn con đường mình đã chọn. Nhớ lại quãng đời niên thiếu, nhà nghèo thiếu trước, hụt sau, do đam mê mà mỗi chiều lại xỏ giày chạy một, hai chục cây số để cuối cùng lấy được nhiều huy chương môn điền kinh, tôi quyết tâm tái hiện sự rèn luyện ấy trên môn "trường lực chữ nghĩa". Rèn riết trở thành thói quen, mỗi ngày tôi dành 10 đến 12 tiếng để nghiên cứu, viết lách. Cái gì không biết thì hỏi, cái gì cần độ chính xác thì bỏ công vào thư viện lục lọi sách báo, tư liệu, đang viết mà bị bế tắc thì "tắt đèn làm lại". Và chính những tháng ngày miệt mài ấy đã giúp cho tôi giải đáp được vấn đề: trong đầu bạn có bao nhiêu chữ!

Nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn phát biểu trong một dịp họp mặt truyền thống Báo Công an TPHCM. Ảnh: M.Tân

Mười năm sau, tôi mang mấy quyển sách in khá đầy đặn, mỗi quyển chừng 150.000 chữ, đến tặng vị thủ trưởng với lưu bút: "Cảm ơn đã truyền động lực cho tác giả hoàn thành tác phẩm này!". Với sự ngạc nhiên đến ngượng ngùng, người ấy cứ lật qua, lật lại mấy quyển sách còn thơm mùi mực, rồi hỏi: "Hội Nhà văn quốc gia kết nạp mày chưa?", tôi thật tình đáp: "Thưa chú, được mấy tháng rồi!". Ông thở ra, tiên tiếc nói: "Tao đã gửi đơn hai, ba lần, họ bảo tác phẩm còn mỏng quá nên đầu tư thêm... Cày chữ đâu thể như cày đất...". Còn cây bút mà tôi từng thần tượng kia, sau này đã trở thành cộng tác viên tích cực khi tôi làm nội dung tờ báo, có lúc tôi phải hỗ trợ ý tưởng, mở ra đề tài giúp ông ấy thực hiện.

Cũng trong quá khứ, khi tôi in tập truyện ký có bài phê bình của một nhà văn cùng ngành đã trưởng thành, mang tặng cho các đồng nghiệp cùng cơ quan, vài người đã chú tâm vào bài phê bình ấy, vì trong đó đã đánh giá tập truyện viết "chưa ngon", có bài còn non tay, cần phải đầu tư trí tuệ nhiều hơn. Tôi biết bài phê bình ấy không có lợi cho "sĩ diện" nhưng vẫn để nguyên, phần vì tôn trọng tác giả, phần vì nghĩ... những lời khen giả dối là tấm vải che khuất lý trí, dễ dắt ta vào con đường lầm lạc. Ai cũng yêu cái do mình làm ra, song nó đẹp xấu, hoàn thiện hay khiếm khuyết chỗ nào lại do người khác nhìn thấy, khó bắt buộc họ nói ngược cảm nhận của mình. Vấn đề là, một số người yếu nghề, không có chí tiến thủ, đố kỵ đã vin vào đó bài bác, đả phá công sức lao động của người khác, có người nói: "Viết thế, viết làm gì cho mệt xác!", có người còn táng thêm: "Người ta nhận xét tồi tệ như thế, thì phải học lại A B C thôi!", thế rồi cả bọn phá lên cười, cười khinh khỉnh.

Tôi bỗng nhớ câu chuyện về nhà thám hiểm Christopher Columbus hơn 500 năm trước. Sau khi phát hiện ra Châu Mỹ qua hàng trăm ngày lênh đênh trên đại dương bằng thuyền buồm, Columbus cùng đoàn tùy tùng được vương triều ban thưởng nhiều bổng lộc. Một hôm, ông bước vào quán rượu, nhác thấy người hùng của quốc gia, những gã đã rượu thịt no nê ở bàn bên cạnh cười ồ lên, mở lời nhạo báng, có gã nói: "Chuyện như thế có gì mà làm rùm beng lên?", có gã xuýt xoa: "Ối dào, tôn vinh như thế thì ai cũng làm anh hùng được cả!". Columbus vẫn thản nhiên, lấy quả trứng gà đặt lên chiếc bàn của bọn người đó, nhẹ nhàng nói: "Trong các ngài ở đây, ai để được quả trứng này đứng lên?". Tưởng dễ, cả bọn thay nhau đặt quả trứng, nhưng cứ loay hoay mãi, không ai làm được việc ấy. Columbus khẽ nhẹ một đầu quả trứng, nó đứng vững vàng, rồi cũng nói nhỏ nhẹ: "Chuyện nhỏ như vầy mà làm không được thì bàn chuyện lớn để làm gì?!". Cả bọn ngồi nín bặt.

Gần hơn, là câu chuyện của nhà văn Anh Joanne Rowling, nhà tỷ phú giàu có và nổi tiếng nhất trong giới cầm bút. Trải qua 20 năm viết văn, bà chịu đựng biết bao đau khổ, khi đưa bất cứ tác phẩm nào, đến nhà xuất bản nào cũng bị từ chối cấp phép, họ bảo không thu hút, không đạt chất lượng. Không nản chí, bà quyết tâm theo đuổi nghề viết, chịu đựng sống cảnh túng quẫn. Năm 1997, bà ra mắt tiểu thuyết đầu tay "Harry Potter và Hòn đá phù thủy", lần lượt xuất bản 6 quyển tiếp theo trong 10 năm sau đó.

Bộ sách này đã làm biến đổi con người Rowling một cách... thần thoại, từ người sống nhờ trợ cấp của chính phủ, bà trở thành một trong những người giàu của thế giới, có tài sản trị giá 820 triệu bảng Anh. Chỉ riêng Harry Potter, ngoài bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử (500 triệu bản), một loạt phim ra đời đã thu hút hàng tỷ người trên thế giới. Nhớ lại quá khứ, bà tâm sự: "Tôi đã không ngã quỵ trước thử thách, những lời chê bai, xúc xiểm bỗng biến thành động lực giúp tôi vượt lên chính mình...".

Có câu đánh thắng vạn quân không bằng thắng được bản thân. Tôi nghĩ, những tác phẩm bị đánh giá thấp, bị làm đề tài cười cợt cũng giống như người thợ làm đồ gốm cho ra mẻ sản phẩm có cái bị nứt rạn hoặc méo mó, cũng như người thợ mộc lắm khi đóng chiếc tủ gỗ không bén cạnh, nét chạm khắc bị thô kệch. Đó là chuyện bình thường trong đời sống, không vì những lần trắc trở như vậy mà nản chí, bỏ cả quá trình theo đuổi nghề nghiệp. Một danh nhân nói: "Có cái tệ hại hơn sự thất bại là không dám hành động", Winston Churchill cũng khuyên răn: "Bạn sẽ không bao giờ đi đến đích nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó bên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!"...

Không bao lâu, liên tục tôi có hai quyển tiểu thuyết được giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, ngay sau đó, cả hai tác phẩm đều được chuyển thể điện ảnh, một bộ nhiều tập được chiếu nối tiếp trên nhiều đài truyền hình, một bộ hai lần nhận huy chương vàng trong các cuộc thi điện ảnh quốc gia, được đưa vào danh sách các tác phẩm kinh điển. Tiếp theo, nhân sự kiện thành phố chuẩn bị bước qua Thiên niên kỷ mới, cùng một số đồng nghiệp khác, tôi vinh dự được trao danh hiệu "Nhà báo xuất sắc" vào năm 2000, cùng lúc với hai số báo thường kỳ của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã "hợp long" 500.000 bản, chấm dứt thời kỳ "ốm đau triền miên" của nó.

Sau khi sách in tôi vẫn tiếp tục ký tặng cho những người đã dành cho mình những cái cười khinh khỉnh, lần này thì họ chết lặng và có lẽ, có người sẽ bỏ thời gian suy nghĩ trước những bài giới thiệu của nhà văn Sơn Nam và Vũ Hạnh, trong đó có ý: "Trần Tử Văn mang phong cách của một thanh niên thời đại, không ngồi khen chê người này, người kia, nói ít, làm nhiều, sức làm việc khiến ta phải kinh ngạc và yêu mến..." (nhà văn Sơn Nam), "Anh là mẫu người rất cần thiết trong công cuộc xây dựng đất nước, say mê làm việc, sống không vụn vặt, không phung phí thời gian vào những thứ vô bổ, một nhân cách đẹp, đáng quý trong xã hội nhiễu nhương này..." (nhà văn Vũ Hạnh).

Cuộc sống mà làm hài lòng tất cả mọi người là điều vô cùng khó, nếu cứ "nhìn người khác mà sống" hoặc "sống để người khác nhìn" thì ta không bao giờ làm chủ được lý trí và tâm hồn của mình. Hãy để lý trí vận động theo bản chất thật, con người thật và để tâm hồn thanh thoát theo những tia sáng tinh khiết của ánh mặt trời.

Hiện tại, cả nước ta có khoảng 30.000 tiến sĩ, 26.000 nhà báo, 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam... bạn thấy gì qua những con số này? Sống với nghề cầm bút là một sự nhẫn nại, khó nhọc lắm đấy chứ!

Bình luận (0)

Lên đầu trang