Những chuyến đi mạo hiểm

Thứ Tư, 15/06/2022 09:27  | Chí Dũng

|

(CATP) Những chuyến đi cơ sở, thâm nhập thực tế, những lần gặp khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp đã giúp tôi trưởng thành hơn. Qua 6 năm làm báo, những kỷ niệm vui buồn trong nghề khi gắn bó với Báo Công an TPHCM khó mà kể hết được.

Dân chìm trong lũ và hành trình vượt bão lúc 4 giờ sáng

Đêm tháng 10 - 2020, Tây nguyên chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6, chú Tuấn (ngụ thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - nhân vật trong bài viết) gọi điện thoại cho tôi, giọng thất thanh: "Thủy điện tích nước, ngập hết nhà chú rồi! Hoa màu của bà con nơi đây chìm trong nước hết cả”. Cuộc gọi khẩn thiết khiến đầu óc tôi suy nghĩ miên man, không tài nào chợp mắt được. Thế rồi tôi quyết định 4 giờ sáng khởi hành, vượt 120km từ TP.Pleiku (Gia Lai) lên vùng lòng hồ thủy điện đang tích nước đồng thời lên kế hoạch để có thông tin nhanh nhất và đảm bảo an toàn.

Khi gà chưa kịp gáy, tôi và đồng nghiệp đã phóng xe máy trong mưa. Đến nơi là lúc trời vừa hửng sáng đã thấy chú Tuấn đứng đợi. Chỉ tay vào nhà mình, chú nghẹn ngào: "Đây, cháu xem, mức nước mà thủy điện chặn dòng vẫn còn đây, nhà chú ngập quá nửa. May chú phát hiện sớm, nếu không điện nhiễm nước giật chết hết. Con đường độc đạo dẫn vào khu sản xuất 350ha chìm trong nước rồi".

Chiều hôm đó, Báo điện tử Công an TPHCM chạy ngay bài nóng "Thủy điện tự ý tích nước gây họa cho dân". Sau khi báo đăng, người dân vui mừng vì báo phản ánh đúng lúc, mong được đền bù thỏa đáng. Các sở ngành nhanh chóng vào cuộc. Riêng phía đơn vị thủy điện một mực khẳng định không phải do thủy điện tích nước mà vì bão và cam kết không tích nước.

Rạng sáng 18-10-2020, bão số 9 đổ bộ, người dân lại gọi điện, giọng mếu máo: "Thủy điện lại tích nước, nhà chú ngập nóc rồi". Thời điểm này, tôi được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh u não, gia đình một mực can ngăn vì đi trong lúc này quá nguy hiểm. Nhưng rồi, tôi vẫn quyết định lên đường do người dân đang cần mình.

Để tiếp cận hiện trường vụ thủy điện tích nước trái phép, phóng viên nhiều lần phải đi bè qua lòng hồ

Thế là hành trình vượt bão vào lúc rạng sáng của tôi và đồng nghiệp lại bắt đầu. Đi trong bóng tối, qua ánh đèn xe thấy tole bay trên đầu, cây 2 bên đường đổ ngay trước bánh xe. Đến nơi, chúng tôi liều mình lên bè tre vượt vùng ngập lụt để vào khu sản xuất ghi nhận thiệt hại của dân. Lúc này tôi cứ nghĩ, nếu mình không đi thực tế sẽ không ghi nhận được thiệt hại do thủy điện tích nước gây ra và không có chứng cứ thuyết phục. Ngay chiều hôm đó, thêm bài viết nóng hổi nữa lại được đăng "Thủy điện lại tự tích nước trong mưa bão, phớt lờ cảnh báo của chính quyền".

Ròng rã gần 2 tháng trời kiên quyết đấu tranh trên mặt trận thông tin, tôi đã viết và được đăng gần 20 bài báo. Từ những thông tin đó, ngành chức năng tỉnh Kon Tum, Bộ Công thương ra tối hậu thư đề nghị thu hồi giấy phép thủy điện nếu cố tình vi phạm. Trước các thông tin xác thực, phía thủy điện đã chấp nhận đền bù nhiều tỷ đồng cho hơn 100 hộ dân, cầu và đường cũng được chủ đầu tư thủy điện làm mới.

Chuyện đã qua, giờ nghĩ lại cũng thấy mình lúc đó quá liều, may mắn là mưa gió, bão lũ không làm mình chùn chân, run tay bút.

Ba lần lên đỉnh Chư Đăng Ya "bắt" lâm tặc

Một câu chuyện nghề khác khiến tôi nhớ mãi không quên là kỷ niệm thâm nhập, điều tra phá rừng tại núi Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cuối năm 2017. Mở đầu sự kiện trên Báo Công an TPHCM là bài viết "Tiếp cận đại công trường khai thác gỗ của lâm tặc", trong đó ghi nhận việc lâm tặc mở một con đường xuyên núi, khai thác cây gỗ cổ thụ.

Thời điểm đó, hiện trường khác xa với hình dung. Con đường mòn được lâm tặc mới mở có những đoạn dốc thẳng đứng. Cơn mưa phùn cuối năm càng làm cho những con dốc thêm trơn trượt. Chúng tôi trượt ngã liên tục, quần áo, giầy dép lấm lem bùn đất. Sau khoảng 3 giờ đánh vật với các con dốc, chúng tôi đặt chân đến hiện trường mà bụng đói, tay chân tê cứng vì mệt và lạnh.

Phóng viên tại hiện trường một vụ phá rừng

Lên tới nơi, chân tay muốn nhũn ra nhưng thấy gỗ bị hạ la liệt khiến tôi như được tiêm liều đô-phin cực mạnh, lao đi các hướng chụp ảnh cây rừng bị hạ. Cảnh "máu" rừng chảy khiến lòng tôi thổn thức, xót xa. Đang say sưa ghi nhận hiện trường, bất ngờ tiếng xe máy độ chế từ xa vọng lại dồn dập khiến tôi và đồng nghiệp hoang mang, bởi khu vực này con đường độc đạo, nếu chạm mặt lâm tặc ngay giữa chốn hoang vu khả năng nguy hiểm rất cao.

Trước tình cảnh đó, người đồng nghiệp đi cùng vội tìm một điểm cao, leo lên cây để có sóng điện thoại gọi về cho vợ, nhưng do sóng yếu, chỉ nói được vài câu, nhấn mạnh: "Sau 1 giờ, nếu không thấy anh gọi về thì báo công an lên rừng Chư Đăng Ya tìm anh". Rất may, khoảng hơn 30 phút sau, cơ quan chức năng địa phương có mặt, chúng tôi xuống núi an toàn.

Sau đó, chúng tôi còn 2 lần dẫn cơ quan chức năng lên hiện trường vụ phá rừng để kiểm tra. Cơ quan chức năng thu giữ 28m3 gỗ tại hiện trường, 13m3 cất giấu tại bụi le. Do mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án.

Cơ quan chức năng kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh, khiển trách 3 cá nhân của hạt này, kỷ luật với hình thức khiển trách về mặt Đảng và chính quyền đối với 4 quân nhân của Ban quản lý dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa; tập thể cùng lãnh đạo UBND xã Chư Đăng Ya và Đăk Tơ Ver cũng bị yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước UBND huyện Chư Păh.

Chuyện nghề và những kỷ niệm của người làm báo sẽ khó thể kể hết được, chỉ biết rằng chúng tôi, những người cầm bút luôn cảm thấy tự hào và luôn mong muốn có thêm nhiều tác phẩm hay góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang