Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sáng 14-6, các đại biểu Quốc hội cho rằng hàng loạt các đại án tham nhũng thời gian qua như vụ Việt Á, AVG... có thể đúng quy trình nhưng không công khai minh bạch nên mới xảy ra sai phạm. Thử nhìn lại vụ án Việt Á, để thấy rằng cú bắt tay làm nên một đại án được xem là lớn nhất từ trước tới nay trong ngành y tế công, trong khoa học, đã thiếu minh bạch và liêm chính như thế nào.
Có thể đúng, nhưng với Việt Á thì chưa đủ
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng do thiếu minh bạch nên xảy ra nhiều đại án, Ông Cường dẫn ví dụ về kit xét nghiệm Việt Á. Theo đại biểu Cường, nếu thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin Nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin cụ thể kit xét nghệm của Việt Á nhập từ Trung Quốc, thì chắc chắn các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) địa phương, các cơ sở y tế không thể mua với giá cao như vậy (từ 450 ngàn đến hơn 500 ngàn đồng/kit xét nghiệm - TS). Và nếu Tổng cục Hải quan công khai số liệu từ tháng 9 đến 12-2021, Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ kit của Trung Quốc, giá khai báo 0,955 USD/bộ (khoảng 21.560đ/bộ), với tổng trị giá 64,7 tỷ đồng, thì có đơn vị nào dám mua kit của Việt Á với giá trên trời như vậy?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu sáng 14-6 Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, tất cả các vụ án tham nhũng, từ đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công... đều giống nhau ở chỗ thực hiện rất đúng quy trình... nhưng đều không minh bạch, không được công khai cho người dân biết.
Ý kiến này đúng ở góc độ dân chủ cơ sở, người dân và xã hội cần được thông tin rộng rãi để biết, giám sát, cũng góp phần hạn chế tiêu cực. Nhưng với vụ án Việt Á lại được tổ chức quá tinh vi và táo bạo, thậm chí rất bài bản.
Bài bản đến độ giúp "cơn bão Việt Á" thổi cực mạnh, ảnh hưởng đến 62/63 tỉnh thành với hơn 65 bị can tính đến nay đã vướng vòng lao lý, trong đó có 2 bộ trưởng, 1 thứ trưởng.
Kịch bản "hoàn hảo"
Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà những người phạm tội có tổ chức rất bài bản, ở cấp bộ điều hành. Ở đây không thể không nói đến Bộ KHCN với vai trò đạo diễn, đã cùng Học viện Quân y viết một kịch bản khoa học gian dối và thiếu liêm chính.
Mọi nguồn cơn từ Bộ KHCN, khi "lốp bi" cho một đề tài khoa học của Học viện Quân y, ngốn gần 20 tỷ đồng ngân sách. Một đề tài mà các nhà khoa học chế nhạo là nghiên cứu cái người ta đã làm rồi và làm giỏi hơn mình, giá lại rẻ. Thực tế, lúc đó đã có rất nhiều bộ kit xét nghiệm nhập khẩu trên thị trường có giá chỉ chừng 280.000 đến 500.000 đồng hoặc thấp hơn, thậm chí có loại kit nhập khẩu chưa tới 1 USD. Còn giá bộ xét nghiệm của Việt Á lên đến 470.000 đồng, thậm chí hơn 500.000 đồng, nhưng Bộ KHCN, các cán bộ Học viện Quân y vẫn nói là "giúp giảm giá thành sản phẩm"!
Phan Quốc Việt (trái) và Thượng tá PGS-TS Hồ Anh Sơn (cả hai đã bị khởi tố, bắt giam) tại cuộc họp báo của Bộ KH-CN công bố việc nghiên cứu thành công kit của Việt Á Ảnh: TTXVN
Bộ KHCN và Học viện Quân y viết một kịch bản rất hoàn chỉnh về đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19, là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia. Đề tài này được phê chuẩn vào tháng 02-2020, dự tính đến tháng 10-2021 thì xong. Cuối tháng 02-2020 (tức chỉ 8 tháng sau khi đề tài được phê duyệt), nhóm nghiên cứu đã có dữ liệu nộp cho một tập san y khoa và tuyên bố đã đăng trên một số tập san khoa học quốc tế nhưng thực chất là không có!
Tốc độ đưa đề tài nghiên cứu này vào "ứng dụng" nhanh kinh hoàng. 16 giờ ngày 03-3-2020, Hội đồng KH-CN cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh thành lập đã họp, đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit này.
Gần như ngay lập tức, 1 ngày sau, ngày 04-3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục hai sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus corona (SARS-CoV-2) của Việt Á.
Các nhà khoa học nghi ngờ việc nghiên cứu để sáng chế ra một cái test kit mới mà nhanh như vậy là điều khó có thể. Hàng loạt các vấn đề gian dối, thiếu liêm chính trong khoa học bộc lộ nhưng cả Bộ Y tế lẫn Bộ KHCN đều nhắm mắt phê duyệt. Việc thượng tá, PGS-TS Thượng tá Hồ Anh Sơn - chủ nhiệm đề tài này bị bắt ngay lập tức, cho thấy "tính liêm chính" của đề tài khoa học này như thế nào! Vậy mà ngày 25-12-2021, trả lời báo chí, PGS-TS Hồ Anh Sơn lại kể công: "Gần 80 người tham gia nhóm nghiên cứu, trong đó 17 thành viên chính là các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia đầu ngành lĩnh vực y sinh, hô hấp, truyền nhiễm... Số còn lại là các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên đảm nhiệm việc thu thập mẫu, xét nghiệm, phân tích...". Ông Sơn còn khẳng định: "Những sai phạm (Việt Á) mà cơ quan điều tra đề cập không liên quan quy trình nghiên cứu"!
Sự gian dối, thiếu liêm chính trong đề tài nghiên cứu khoa học này được tổ chức chặt chẽ, khi những thông tin sai lệch về bộ kit này được công bố trong một cuộc họp báo ngày 05-3-2020, trong đó khẳng định bộ kit này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, "tương đương với bộ sinh phẩm do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất" (trang web của Bộ KHCN đăng tin ngày 06-3-2020). Bộ KHCN khẳng định Việt Nam trở thành 1 trong 6 đơn vị sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ. Thông này này sai và buộc trang Web của Bộ KHCN đã phải rút xuống.
Cùng "dắt tay nhau" vào tù
"Cơn bão Việt Á" sẽ không thể hoành hành nếu Bộ KHCN không bắt tay với Bộ Y tế. Trong thông cáo báo chí ngày 21-12, Bộ Y tế né tránh thông tin WHO không phê chuẩn bộ kit của Việt Á, chỉ khẳng định việc cấp phép cho bộ kit này là đúng với quy chuẩn Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí trên, Bộ Y tế khẳng định việc cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ kit của Việt Á trong thời hạn 6 tháng vào ngày 04-3-2020. Đến ngày 04-12-2020, Bộ Y tế có Quyết định số 5071 cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm này.
Về giá cả, tại cuộc họp báo ngày 05-3-2020, ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á đã tự định giá bộ kit/test này "chỉ từ 400 - 600 nghìn đồng, bằng 1/3 giá tiền của WHO".
Kể từ khi Việt Á tự công bố giá cho đến ngày 02-7-2021, khi Bộ Y tế có văn bản do Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế khi đó là ông Nguyễn Minh Tuấn (đã bị khởi tố và bắt giam) ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và giá bán test xét nghiệm, vật tư do các đơn vị cung ứng công bố, thì bộ kit của Việt Á luôn đứng ở vị trí số 1 trong danh sách, với giá niêm yết luôn là 470.000 đồng/bộ. Đây là sự ưu ái rõ rang và định hướng giá cho các địa phương mua. Để làm "mồi", Bộ Y tế còn phân bổ kit Việt Á cho các sở y tế địa phương, như Bình Dương đã từng nhận 5.000 bộ kit xét nghiệm của Việt Á.
Lúc đó Công ty Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm. Với thông tin như vậy, nhiều CDC các địa phương đã mua kit/test của Việt Á với mức giá 450.000 đồng trở lên. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An - đơn vị mua kit của Việt Á, ông Đoàn Văn Hùng - khẳng định bệnh viện làm đúng quy trình về chỉ định thầu, "lúc đó Bộ Y tế đưa ra sao thì mình tham khảo mua như vậy". Nhiều cán bộ y tế Long An và chính ông Đoàn Văn Hùng đã vướng vào vòng lao lý, từ định hướng này mà ra. Mà đâu chỉ ở Long An, nhiều địa phương, cơ sở y tế khác cũng mua theo "định hướng" giá đó! Và hoa hồng nở tung, cùng dắt tay nhau vào tù!
Trở lại vấn đề công khai minh bạch mà các đại biểu Quốc hội đề cập như trên, để thấy tính công khai minh bạch rất quan trọng. Nếu một đề tài khoa học như vậy được đăng trên những tạp chí khoa học nghiêm túc, thì vấn đề sẽ khác. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu dịch tễ, y khoa, sau khi sự việc xảy ra, đã tìm kiếm khắp nơi nhưng chẳng có một tập san y khoa quốc tế nào đăng công trình nghiên cứu này. Và họ nghi ngờ đúng. Đó cũng là lý do vì sao các công trình khoa học buộc phải đăng công khai trên những tạp chí khoa học uy tín, để các nhà khoa học phản biện minh bạch. Những vấn đề này chẳng lẽ cả Bộ KHCN, Bộ Y tế không biết?
Tất nhiên biết, nhưng bằng cú bắt tay, cú "lốp bi" làm ăn giữa hai bộ này trong cơn đại dịch, trên nỗi đau của người dân vẫn hấp dẫn họ hơn nhiều.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: "Nếu công khai cho dân biết thì những điều này (những vụ án lớn) đều có thể được ngăn chặn". Từ đó, đại biểu Hà Nội đề xuất 2 nội dung liên quan tới việc công khai và phương thức công khai: công khai các nguồn lực công, liên quan tới người dân, trừ những điều thuộc bí mật nhà nước có quy định cấm.
Sáng ngày 14-6, Quốc hội cũng đã đã thông qua nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là hoạt động cần thiết nhưng cái cần thiết hơn để không xảy ra những Việt Á, là những hành lang pháp lý vững chắc để điều chỉnh các hoạt động không chỉ của ngành y tế mà còn nhiều ngành, phạm vi khác. Ngoài ra là những cải cách thể chế đủ mạnh để muốn tham nhũng cũng rất khó và không thể.