Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hôm nay (14/6), Quốc hội đã thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cho ý kiến về dự luật này, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phản ánh, mô hình Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau. Thế nhưng, theo đại biểu, dự Luật còn quy định rất chung về trình tự, thủ tục nhân dân, kiểm tra nhân dân, giám sát theo hướng dẫn, chiếu trung sang các quy định có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) thảo luận tại phiên họp
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân; nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, dự thảo Luật quy định hình thức Nhân dân giám sát thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Vì thế, cần xem xét, cân nhắc nội dung này để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là ở phạm vi cơ sở.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng dự thảo Luật cần tập trung vào khái niệm dân chủ ở khía cạnh quan hệ giữa chính quyền và người dân. Theo đại biểu, nếu phạm vi áp dụng của luật này mở ra quá rộng, liên quan đến những loại quan hệ đã được điều chỉnh bằng Hiến pháp và các luật khác thì sẽ có nguy cơ làm xáo trộn quan hệ xã hội đã và đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bởi các đạo luật khác.
“Trong những luật hiện hành đã xử lý nội dung về quan hệ dân chủ ở trong đó, ví dụ như giữa giám đốc và công nhân, giữa hợp tác xã và xã viên, giữa Hội đồng quản trị và các cổ đông… nên việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là không phù hợp” – đại biểu Nghĩa dẫn chứng.
Cho rằng tất cả quyết định liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai (trừ trường hợp bí mật nhà nước), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) giải thích, nếu việc này được thực hiện nghiêm thì sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
“Những vụ án tham nhũng đều có điểm chung là thực hiện rất đúng, các quy trình có đầy đủ, nhưng không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết” – ông Cường nhận định.
Từ thực tế này, ông Cường nhìn nhận, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại quyết định đó tốt hơn, đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình dự luật
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một dự án luật có đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể, mang tính đặc thù trong thể chế chính trị, pháp luật của Việt Nam.
“Dự luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, được xây dựng nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất chế độ ta, là mục tiêu và là động lực để phát triển xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” – bà Trà nêu rõ.
Vẫn theo Bộ trưởng, dự thảo Luật đã thể chế hóa phương châm dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng; đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ; giải quyết được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội.
“Dân chủ thì phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp” – Bộ trưởng Trà nhấn mạnh và thông tin, nội dung thực hành dân chủ trong dự thảo Luật được trình bày theo mạch trình tự phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để hướng tới mục tiêu, yêu cầu phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.