Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Ba, 14/06/2022 09:34

|

(CAO) Với tỷ lệ tán thành 91,16%, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) vào sáng nay, 14/6. Luật có hiệu lực từ 1/1/2023.

Luật CSCĐ được thông qua quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho lực lượng này.

Theo đó, CSCĐ được quyền mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật CSCĐ

Lực lượng CSCĐ cũng được giao quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.

Lực lượng CSCĐ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin.

Để bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách đối với CSCĐ, Luật quy định, Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của CSCĐ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Theo ông Cường, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ chống bạo loạn, chống khủng bố vì đây là nhiệm vụ chủ yếu của CSCĐ.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bạo loạn, khủng bố là những tình huống có tính chất nghiêm trọng và phức tạp, nên khi vụ việc xảy ra đòi hỏi phải xử lý nhanh chóng, linh hoạt, áp dụng các biện pháp công tác có tính chất nghiệp vụ đặc thù; đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình dự luật

Vì lẽ này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ này trong dự thảo luật.

Liên quan đến quyền của CSCĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện nay khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang được quy định và thực hiện theo Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm tạo cơ sở pháp lý để CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, dự thảo luật đã bổ sung quyền hạn này.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để xác định phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay và phân công trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của CSCĐ” – ông Cường nêu.

Trường hợp xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm khu vực bảo vệ mục tiêu mà vượt quá khả năng, thì CSCĐ có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để xử lý hiệu quả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang