Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng nay (13/6), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Bắc Kạn) dành thời gian góp ý về việc xã hội hóa, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị trong khám bệnh, chữa bệnh (KCB).
Quốc hội thảo luận về dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6
Nhìn nhận đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm để bù đắp những thiếu hụt ngân sách cho y tế, bà Thuỷ phản ánh, sau một thời gian triển khai chính sách này đã đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực.
Qua chính sác này, người dân có thể được tiếp cận với y tế kỹ thuật cao ngay trong nước mà không cần phải ra nước ngoài, đồng thời giúp các bệnh viện tuyến dưới cũng dần làm chủ được trang thiết bị, mà không phải chuyển tuyến, vượt tuyến lên trên.
Dù vậy, Phó Chủ nhiệm UBTP chỉ ra, đã xuất hiện tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết với máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế.
“Do thiếu quy hoạch rõ ràng nên có sự mất cân đối lớn trong huy động nguồn lực” – bà Thuỷ nêu.
Vẫn theo đại biểu của Bắc Kạn, xã hội hóa liên doanh liên kết hiện nay chủ yếu tập trung những thành phố lớn và nơi có điều kiện thuận lợi, trong khi những địa phương, địa bàn khó khăn rất cần xã hội hóa lại không thể thực hiện được dẫn tới thiệt thòi cho bệnh nhân khu vực này.
“Qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế cho thấy, việc “thổi giá” không chỉ phát hiện trong dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn phát hiện trong triển khai đề án xã hội hóa, liên doanh liên kết hợp tác đặt máy móc thiết bị, KCB tại bệnh viện công lập” – đại biểu Thuỷ thông tin.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ góp ý cho dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Dẫn chứng, đại biểu nêu lại vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, khi đơn vị này ký hợp đồng cho đối tác đặt robot hỗ trợ kỹ thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỷ lên 39 tỷ đồng, làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do lĩnh vực này hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng” – nữ đại biểu chỉ ra.
Theo bà, điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho bệnh viện trong triển khai, vừa rủi ro cho bệnh viện và đơn vị tư nhân tham gia, nhất là dễ lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và nhà nước.
Đề cập đến quy định về nội dung này tại dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhận xét vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
“Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước” – bà Thuỷ dẫn lại dự thảo và bình luận: Những khó khăn vướng mắc xã hội hóa liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế do pháp luật còn thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể. Điều này, theo đại biểu, vốn kéo dài trong nhiều năm thì nay càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh xảy ra các vụ án y tế.
Nhấn mạnh nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, bà Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, nếu quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về liên doanh, liên kết sẽ giúp cho bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho bệnh nhân, nền y tế.
“Cần có quy định cụ thể về nguyên tắc những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung có cơ chế kiểm soát chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; có cơ chế khuyến khích triển khai xã hội hóa y tế trong những vùng còn khó khăn” – nữ đại biểu kiến nghị.
Trước đó, thảo luận tại tổ về xã hội hoá công tác KCB, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần sửa đổi, quy định mang tính nguyên tắc, căn cơ, có tính đột phá về xã hội hoá trong công tác y tế để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt đông của các cơ sở KCB trong thời gian tới.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ Y tế cho biết, việc xã hội hoá trong công tác KCB còn liên quan đến các giải pháp khác như đất đai, tín dụng, thuế… nên Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp mang tính đột phá cho xã hội hoá trong công tác KCB.